Những việc làm của các cụ không chỉ góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội của huyện mà còn trở thành tấm gương sáng cho thế hệ trẻ học tập và noi theo. Một trong những phong trào thi đua nổi bật nhất của Hội người cao tuổi huyện Sơn Tịnh là phong trào "nêu gương sáng" trong phát triển kinh tế, góp phần xóa đói giảm nghèo.
Với nhiều cách làm sáng tạo, phong trào phát triển kinh tế đã tạo nên khí thế hăng say thi đua lao động sản xuất trong đông đảo người cao tuổi. Bằng những kiến thức và kinh nghiệm của bản thân, đa số người cao tuổi còn sức khỏe vẫn cần mẫn tăng gia sản xuất, vừa chia sẻ kinh nghiệm, vừa làm gương cho con cháu noi theo. Khắp nơi trong huyện đều xuất hiện những tấm gương người cao tuổi điển hình tiêu biểu, không chỉ làm giàu cho bản thân, gia đình nhiều hội viên người cao tuổi còn giúp đỡ hội viên nghèo trong sản xuất, tạo công ăn việc làm. Hiện nay, toàn huyện Sơn Tịnh có 996 hội viên người cao tuổi đạt tiêu chí sản xuất, kinh doanh giỏi cấp cơ sở.
Theo lời giới thiệu của ông Nguyễn Văn Tân - Trưởng Ban đại diện Hội người cao tuổi huyện Sơn Tịnh, chúng tôi tìm đến nhà của hội viên người cao tuổi Nguyễn Hồng Mậu (68 tuổi), ở xã Tịnh Trà. Điểm ấn tượng đầu tiên của tôi ngay khi gặp ông đó là nụ cười phúc hậu trên môi ông. Ở địa phương này ông được nhiều người yêu mến bởi lối sống giản dị, chất phát, với bản tính cần cù, ham học hỏi. Sau khi nghỉ hưu từ năm 2006 ông đã đầu tư vốn liếng để phát triển mô hình kinh tế gia trại đem lại lợi nhuận cao như: mô hình trồng tre lấy măng và xen chuối - nuôi cá lóc, trồng thanh long ruột đỏ, trồng quýt đường, trồng keo, chăn nuôi bò, thả gà mái ấp giống,.. Thực tế cho thấy, ông nuôi 300 con gà mái đẻ, ấp bán con giống, hàng tháng trừ chi phí còn lợi nhuận từ 45-50 triệu đồng. Các mô hình như: tre lấy măng, chuối, quýt đường, tổng thu nhập từ 120 đế 150 triệu đồng. Không chỉ dừng lại ở đó, sau khi được đi tham quan các mô hình kinh tế ở nhiều nơi, năm 2016 ông đã bàn với vợ đầu tư xây nhà nuôi chim yến, máy móc được ông mua ở Malaysia. Đến nay, đàn yến về làm tổ ở nhà ông được 10 tổ. Cũng trong thời gian này, ông đã cải tạo 1 ha đất để trồng 1.000 gốc tiêu. Khi thực hiện mô hình, ông cũng gặp nhiều khó khăn nhưng với tâm huyết làm ra nhiều sản phẩm và hướng dẫn con cháu cần phải siêng năng lao động sản xuất để có của ăn, của để, ông đã tạo được niềm tin cho con cháu.
Ông Nguyễn Hồng Mậu ở xã Tịnh Trà đang cho bò ăn
Rời nhà ông Mậu, chúng tôi đến nhà ông Phạm Tẩm (85 tuổi) ở thôn Minh Thành, xã Tịnh Minh. Mặc dù tuổi đã cao nhưng ngày ngày ông vẫn miệt mài lao động. Với những kiến thức về nông nghiệp đã được tiếp thu tại các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, tìm tòi, học hỏi trên ti vi, báo, đài, học tập kinh nghiệm làm ăn của bạn bè về chăn nuôi, trồng trọt, cách kinh doanh dịch vụ cùng kinh nghiệm thực tế, ông Tẩm đã phát triển mô hình kinh doanh dịch vụ kết hợp với chăn nuôi, trồng trọt. Hiện nay, ông có 1 máy xay xát, 1 xe tải, 4 kho chứa hàng hóa nông sản, với nguồn vốn cố định 750 triệu đồng, vốn lưu động khoảng 2 tỷ đồng. Đến mùa thu hoạch, ông sử dụng xe tải và 3 lao động đi thu mua lúa ở các xã trong và ngoài huyện, có trên 400-500 tấn lúa để xay xát gạo, ngoài xay xát gạo ông còn đi mua bắp, mì để xay nghiền thức ăn gia súc, gia cầm cung cấp bán cho các chủ trang trại. Với nguồn thức ăn sẵn có của gia đình, ông chăn nuôi heo. Thường xuyên có trong chuồng trên 20 con, mỗi năm xuất chuồng 3-4 lần, trừ chi phí còn lãi 90 triệu đồng. Gắn với chăn nuôi, ông còn sản xuất 6 sào ruộng lúa, năng suất 60-65 tạ/ha và 2 sào trồng các loại hoa màu. Hàng năm trừ chi phí, gia đình ông còn lãi khoảng 300 triệu đồng. Kinh tế gia đình phát triển, ông đã nuôi con cháu học hành đến nơi đến chốn, có công ăn việc làm ổn định.
Phát huy vai trò "tuổi cao gương sáng", cán bộ, hội viên người cao tuổi trong huyện tiếp tục đóng góp công sức, trí tuệ, khẳng định vai trò gương mẫu trong lao động sản xuất và thực hiện có hiệu quả các phong trào thi đua.