Theo chân ông Nguyễn Văn Kiều – Chủ tịch Hội Nông dân xã Gio Sơn (huyện Gio Linh) đến thăm trang trại sản xuất nấm của anh Hùng, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng khi thấy cơ ngơi rộng hơn 1.000m2 của anh khắp nơi đều được xếp đầy các bịch nấm. Trao đổi với chúng tôi về cơ duyên đến với nghề trồng nấm anh Hùng tâm sự: Trước đây anh vốn là công nhân của Công ty cao su Quảng Trị, sau khi nghỉ hưu theo chế độ đang loay hoay chưa biết làm gì để phát triển kinh tế gia đình thì tình cờ xem một chương trình trên ti vi, thấy người ta làm nấm từ mùn cưa của gỗ cao su. Nhận thấy đây là một mô hình phù hợp với mình, anh nảy ra ý định tìm học để làm theo. May mắn đến với anh là cũng đúng vào thời điểm đó Trung tâm Khuyến nông tỉnh lại đang mở lớp hướng dẫn kỹ thuật làm nấm. Bên cạnh đó, để có kiến thức vững chắc anh còn tìm đến các cở sở trồng nấm trong và ngoài tỉnh để học tập kinh nghiệm.
Sau khi nắm được kỹ thuật một cách bài bản, anh đã mạnh dạn dốc toàn bộ vốn liếng tích lũy được đầu tư xây dựng lò hấp, máy xay mùn cưa, trại trồng nấm để tạo thành một quy trình khép kín trong sản xuất nấm. Với thuận lợi là địa phương có diện tích trồng cao su khá lớn nên nguồn gỗ cao su dồi dào, mùn cưa từ gỗ cây cao su có chất lượng tốt hơn hẳn so với các loại gỗ cây khác. Bên cạnh đó cùng với việc tự sản xuất mùn cưa tại nhà, mùn cưa được nghiền mịn hơn, chất lượng hơn so với việc phải mua mùn cưa làm sẵn. Hiện tại, mỗi tháng trại nấm của anh trồng từ 4.000 – 5.000 bịch nấm với sản phẩm chủ yếu là nấm sò.
Anh Hùng đang kiểm tra sinh trưởng của nấm
Chia sẻ về kỹ thuật trồng nấm, anh Hùng cho biết: Ban đầu khi mới bắt tay vào trồng nấm anh gặp rất nhiều khó khăn, tỷ lệ hư hỏng của bịch nấm có khi lên tới hơn 30%. Không nản chí, vừa làm vừa đúc rút kinh nghiệm, học hỏi thêm từ những người đi trước đã có kinh nghiệm trồng nấm để áp dụng cho mô hình của gia đình mình. Nhờ vậy mà đến nay, tỷ lệ sống của bịch nấm do anh làm ra luôn đạt từ 98 – 99%. Theo anh Hùng, để trồng nấm sò, đầu tiên nguyên liệu phải được đảm bảo, mùn cưa sau khi xay ra được ủ với vôi bột để tạo độ nóng và giảm pH. Trong thời gian ủ, cần lưu ý phải đảo trộn thật đều để mùn cưa mềm ra và loại bỏ các loại bào tử có hại. Hỗn hợp mùn cưa sau đó được đóng thành các bịch bằng túi ni lông chuyên dụng, đưa vào hấp ở nhiệt độ 1000C trong 20 tiếng rồi mới tiến hành cấy giống nấm.
Về giống nấm, sau khi tìm hiểu anh lặn lội vào tận huyện Long Khánh (tỉnh Đồng Nai) đặt mua giống nấm được ủ từ thân cây sắn. Theo anh Hùng, loại giống nấm này cho năng suất cao, dễ vận chuyển, phù hợp với việc sản xuất nấm từ mùn cưa. Đặc biệt là khi sử dụng giống nấm này không xảy ra hiện tượng bịch nấm bị mốc xanh như loại giống nấm được cấy trên hạt lúa tại địa phương. Trong quá trình trồng thì hàng ngày phải tưới nước từ 2 – 3 lần để giữ độ ẩm cho trại, nếu không nấm sẽ bị khô, phát triển chậm ảnh hưởng đến năng suất; ngược lại, tưới nước nhiều quá, nấm sẽ bị chết. Thường xuyên thăm nom, tuyệt đối không để có chuột và kiến trong trại, bởi đây là những loại côn trùng trung gian cắn phá, gây bệnh cho các loại nấm. Ngoài ra, cơ sở sản xuất nấm phải được thiết kế chắc chắn, đảm bảo độ thoáng mát.
Điểm mới ở mô hình trồng nấm sò của anh Hùng là trong khi ở các nơi hầu hết người trồng nấm đều treo bịch nấm thành chùm trên giàn, thì ở trại nấm của mình, anh lại xếp các bịch nấm chồng lên nhau từ sát mặt đất lên cao quá đầu người. Anh Hùng cho biết, kỹ thuật mới này anh học được khi tìm vào học tập kinh nghiệm trồng nấm tại Trường Đại học Nông nghiệp TP. Hồ Chí Minh. Theo đó, nếu như trước đây sau khi cấy phôi giống các bịch nấm được buộc chặt miệng và treo thành chùm trên giàn; khi thấy sợi nấm phát triển nhiều trong bịch thì dùng dao lam rạch xung quanh để nấm mọc ra. Thì hiện nay các bịch nấm được xếp chồng lên nhau và chỉ để nấm mọc ra ở miệng bịch. Theo anh Hùng, khi trồng nấm theo cách này năng suất nấm vẫn tương đương như cách rạch bịch nhưng nấm đảm bảo chất lượng hơn, ít tốn diện tích hơn, dễ chăm sóc hơn.
“Ở tỉnh mình thời tiết tương đối khắc nghiệt, đặc biệt là vào mùa hè nhiệt độ cao cộng với gió Lào thổi mạnh làm cây nấm phát triển kém. Những lúc đó mình chỉ cần đóng nắp bịch nấm lại và tưới nước dưới nền nhà để duy trì độ ẩm là bịch nấm sẽ không bị ảnh hưởng gì. Khi thời tiết tốt mình tháo nắp ra là nấm lại phát triển trở lại. Chứ làm theo cách rạch bịch như trước đây khi thời tiết thay đổi số bịch nấm bị hư hỏng nhiều lắm”, anh Hùng cho biết.
Về đầu ra sản phẩm, anh Hùng cho biết, một bịch nấm sò cho thu hoạch từ 0,6 – 0,8 kg nấm trong thời gian 3 tháng. Hiện nay, bình quân mỗi ngày anh xuất bán khoảng 50kg nấm sò với giá bán từ 45.000 – 50.000 đồng/kg nhưng mới chỉ đủ cung cấp cho thị trường các huyện Gio Linh, Cam Lộ và luôn trong tình trạng cung không đủ cầu. Bên cạnh làm nấm thương phẩm, mỗi năm anh còn bán ra hơn 10.000 bịch nấm đã cấy phôi giống với giá khoảng 6.000 đồng/bịch cho những người có nhu cầu làm nấm ở các địa phương trong tỉnh. Ngoài ra, hàng năm anh còn làm khoảng 200 kg nấm mộc nhĩ khô với giá bán khoảng 100.000 đồng/kg, 10 – 15 kg nấm linh chi với giá bán khoảng 600.000 – 650.000 đồng/kg. "Vào các ngày lễ, ngày rằm, giá nấm tăng lên từ 70.000 - 100.000 đồng/kg. Sau khi trừ chi phí, bình quân hàng tháng từ trang trại nấm này đã mang lại cho gia đình tôi khoản lãi ròng hơn 15 triệu đồng”, anh Hùng cho hay.
Ông Nguyễn Văn Kiều – Chủ tịch Hội Nông dân xã Gio Sơn đánh giá rất cao mô hình trồng nấm của anh Hùng. Theo ông Kiều đây là mô hình tiêu biểu trên địa bàn xã, không những mang lại thu nhập cao cho gia đình mà còn giải quyết công việc thường xuyên cho 3 - 5 lao động và theo thời vụ cho khoảng 7 - 8 lao động với thu nhập từ 3 - 3,5 triệu đồng/người/tháng. Không chỉ làm giàu cho riêng mình, nhiều năm qua anh Hùng còn nhiệt tình hướng dẫn kỹ thuật, cung cấp phôi giống cho hàng chục hộ dân ở địa phương tận dụng thời gian nông nhàn, mang lại thu nhập cao cho gia đình.
Trao đổi với chúng tôi về dự định trong thời gian tới, anh Hùng chia sẽ anh sẽ đầu tư thêm vốn để xây dựng nhà xưởng quy mô, trang bị hệ thống phun sương tự động cho trại nấm, mở rộng thêm xưởng sản xuất nấm rơm. Với mong muốn tạo thêm công ăn việc làm cho nhiều bà con trong vùng, đồng thời tăng thu nhập chính đáng cho gia đình mình.