Trở về với đời thường sau chiến tranh, cuộc sống ở vùng đất Quảng Trị đầy nắng và gió Lào nhiều vất vả. Năm 1977, chú Nguyễn Trí Đức quyết định đưa gia đình vào định cư tại vùng đất mới: thôn Sông Cầu, xã Nghĩa Thành, huyện Châu Đức.
Trò chuyện với chú, tôi mới biết: chú xuất thân trong một gia đình có truyền thống cách mạng, cha mẹ đều là liệt sỹ trong kháng chiến chống Mỹ. Là một thương binh, thương tật 45%, nhưng chú Đức còn rất khoẻ và tháo vát trong mọi công việc.
Những năm đầu mới vào, vùng đất Sông Cầu này vắng vẻ lắm! Gia đình chú bắt tay vào cuộc sống mới với bộn bề khó khăn. Vậy mà cả ruộng lẫn rẫy chú canh tác đến gần bốn héc ta. Nhờ chịu thương chịu khó mà cuộc sống dần ổn định, con cái đều được học hành đến nơi đến chốn. Chú có sáu người con thì năm người là cán bộ, giáo viên và làm ăn kinh doanh khá thành đạt. Cậu con út hiện đang theo học năm ba trường Đại học Y dược thành phố Hồ Chí Minh. Nhà cửa khang trang, con cái thành đạt như gia đình chú Đức là điều ai cũng mơ ước. Tôi hỏi: Việc nhà, việc xã hội có cách nào mà chú quán xuyến hết hay vậy? Tiếng cười giòn tan của một người lính già đặc sệt giọng Quảng Trị: Năm 1995 mình vào làm hội, năm 2001 làm phó chủ tịch rồi đến năm 2006 làm Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Nghĩa Thành. Làm ở xã, vào mùa vụ, 5 giờ sáng mình lên ruộng vãi phân, đắp bờ tháo nước rồi, 8 giờ có mặt ở xã
Ngoài sân phơi đầy lúa, cây cối quanh vườn xum xuê tươi tốt, tôi thật khâm phục người cựu chiến binh này. Trong phòng khách nhà chú, đủ loại giấy khen, bằng khen và các danh hiệu thi đua cao quý treo đầy trên tường. Điều tôi tâm đắc nhất là gia đình chú Đức từ năm 2001 đến năm 2010 đã nhiều lần được UBND huyện Châu Đức và tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu khen thưởng “Gia đình văn hóa tiêu biểu”. Riêng năm 2004, chú được Hội Nông dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tặng Bằng khen “Nông dân sản xuất giỏi”. Năm 2010, Hội Cựu chiến binh tỉnh tặng bằng khen: Xuất sắc trong cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ chí Minh”.
Chú tâm sự: Anh em trong hội ở xã mình nhiều khó khăn...! Kỷ biết không, trước đây nhiều hội viên được mình cho mượn vốn, mượn đất, mượn cây con giống…để sản xuất, bây giờ nhiều người đã khá lên rồi…Với cái tâm của người lính, tình đồng đội là sợi dây gắn kết thiêng liêng để họ sống cho nhau như việc làm đầy nhân văn của chú Đức. Nhiều năm qua, Hội Cựu chiến binh xã Nghĩa Thành luôn là một trong hai đơn vị đi đầu các phong trào thi đua của huyện Hội Châu Đức. Điều đáng nhớ nữa là tổ 14 thôn Sông Cầu, xã Nghĩa Thành do chú Đức làm tổ trưởng năm nào cũng được khen thưởng tiêu biểu trong phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”.
Chú Đức rất quan tâm việc giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ xã nhà. Vào ngày 22/12 hay ngày thành lập Đoàn Thanh niên 26/3 hàng năm…chú đều có mặt ở các trường học hay các buổi họp mặt tại Xã Đoàn để nói chuyện về truyền thống hào hùng của cha anh cho lớp trẻ học tập. Sau mỗi lần nói chuyện, chú đều có các câu hỏi kiểm tra lại kèm theo những phần thưởng khuyến khích làm cho các em học sinh rất yêu thích. |
Chia tay chú Đức, trong tôi vẫn ấn tượng mãi hình ảnh người Cựu chiến binh dễ mến và mẫu mực. Chú Đức là tấm gương sáng về hình ảnh anh bộ đội Cụ Hồ trong thời bình, gia đình ấm no hạnh phúc, con cái thành đạt và có nhiều cống hiến cho xã hội. Tôi nghĩ rằng nối tiếp truyền thống gia đình, các con của chú cũng sẽ là những người có nhiều đóng góp cho công cuộc xây dựng quê hương.
Nguyễn Văn Kỷ