TRANG CHỦ LIÊN HỆ SƠ ĐỒ WEB PHÔNG UNICODE TÌM KIẾM
Thứ Năm, 21/11/2024
Tin tức trong nước
Tin tức trong tỉnh
Tin thế giới
Tổng quan về xã
Hoạt động UBND
Sản phẩmGương làm kinh tế giỏi
Tài liệu KHCN
Phim KH&CN
Văn bản pháp quy
Dịch vụ
WEBSITE CÁC XÃ
Trao đổi trực tuyến
longttkhcn
quangnv2k
WEBSITE KHÁC
HÌNH ẢNH
 

Mùa thu hoạch lúa

Chăm sóc cây ăn quả

Mô hình nuôi nhím hiệu quả kinh tế cao

Lượt truy cập: 346512
  TÀI LIỆU KHCN

  Quảng Bình: Khi người trẻ làm nông nghiệp…
26/08/2017

Lập nghiệp khi tuổi đời dưới 30 tuổi đôi vợ chồng trẻ Nguyễn Thị Ngọc Nhung – Dương Trí Quang đang có trong tay một trang trại trồng cà chua rộng 2.000m2. Với biết bao dự định, nhiệt huyết của tuổi trẻ hai con người đã làm nên những điều không tưởng…

Chúng tôi biết đến trang trại của đôi vợ chồng trẻ qua sự giới thiệu của ông Ngô Văn Thủy - Chủ tịch xã Ngư Thủy Bắc, huyện Lệ Thủy, Quảng Bình. Mặc dù được nghe giới thiệu từ trước nhưng trong tâm trí chúng tôi, ai cũng mường tưởng ra rằng chắc cũng là một trang trại nhỏ trồng cà chua như cách bà con vùng cát này trồng từ trước đến giờ, đào luống trồng rau mà thôi. Nhưng không, khi đến trang trại, trước mắt chúng tôi là một hệ thống nhà lưới được xây dựng rất quy mô và bài bản. Khung nhà lưới làm bằng sắt chắc chắn có thể chống chọi với các trận mưa bão của miền Trung, lớp nilon trong bọc hết trang trại giúp vừa có ánh nắng vừa ngăn chặn côn trùng, sâu bệnh xâm nhập. Khung cảnh bên trong lại càng lạ hơn! Cà chua không được trồng trên đất mà được trồng trong các bầu giá thể. Cây cà chua ít nhánh ngang leo uốn quanh những sợi dây thẳng đứng.

Trồng cây trên giá thể là phương pháp trồng mới ở Quảng Bình, được gia đình chị Nhung áp dụng được một năm, chủ yếu trồng cây cà chua. Đây thực chất là một kỹ thuật trồng cây không dùng đất mà cây được trồng trực tiếp trên các giá thể hữu cơ hay giá thể trơ cứng có tưới dung dịch dinh dưỡng. Giá thể là một loại vật liệu sạch đã được các nước phát triển trên thế giới áp dụng nhiều năm nay, có ưu điểm thay thế đất trồng, quy trình sản xuất khép kín, kiểm soát được các yếu tố gây bệnh và lây truyền cho cây. Nguyên liệu anh chị lựa chọn làm giá thể là xơ dừa, phân chuồng, vỏ cây, các vi sinh vật được trộn theo một tỉ lệ thích hợp, sau đó đóng bầu và ươm giống. Không những cách trồng mới, mà cách chăm bón cũng khiến chúng tôi “mắt tròn, mắt dẹt”. Nước tưới được đưa vào các bể chứa ngay trong khu nhà lưới. Anh chị tận dụng các bể chứa này nuôi cá rô phi đầu vuông để tăng thêm nguồn thu. Nước sau đó qua các bể lọc đi qua hệ thống tưới nhỏ giọt đến từng gốc cây, cung cấp một lượng nước vừa đủ cho cây. Phân bón cũng được hòa tan sau đó theo hệ thống nước này cung cấp chất dinh dưỡng cho cây, giúp tiết kiệm công lao động. Đặc biệt, loại phân bón cho cây được anh chị tự tay ủ với nguyên liệu chính là mật mía và đậu nành.

Anh Quang chia sẻ nguyên tắc của vợ chồng anh khi bắt tay trồng cà chua bằng phương pháp này là phải sạch tuyệt đối: sạch từ khâu vật liệu làm giá thể, sạch từ dung dịch phân bón, sạch từ nguồn nước, giống sạch và đặc biệt là sạch về côn trùng. Vì thế khi cà chua ra hoa, vợ chồng anh chị sẽ tự thụ phấn cho cây, nhờ đó tỉ lệ đậu quả sẽ gần như tuyệt đối. Ngoài ra yếu tố quyết định sự thành công của phương pháp trồng cà chua trên giá thể trong nhà kín mới này chính là sự cách ly tuyệt đối với môi trường bên ngoài. Vì chỉ cần một cây cà chua bị bệnh sẽ lây lan rất nhanh ra các cây xung quanh gây thiệt hại rất nhiều.Vật dụng cách ly phía trên mái là tấm bạt nhựa màu trong suốt, hoàn toàn kín. Bốn bên được vây quanh bởi lớp lưới dày, bảo đảm không một loại côn trùng nào có thể lọt vào…

Nếu nhìn vào những dãy cà chua chi chít trái, không ai nghĩ rằng để đi được đến thành quả này là cả một quá trình đầy gian nan. Học chế biến bảo quản tại Đại học Nông lâm Huế, chị Nhung ra trường lại trở thành cô nhân viên Viettel của huyện Lệ Thủy. Anh Quang đi theo những công  trình ở các huyện, các tỉnh. Vì quá yêu công việc trồng trọt nên anh chị đã xin nghỉ việc để trở thành những người nông dân. Lúc xin nghỉ việc ai cũng nói vợ chồng anh chị bị “điên”. Công việc ổn định không làm, lại về làm nông dân, trong tay không có gì lại cả gan vay cả tỷ đồng để mở trang trại. Rồi khi trang trại xây dựng xong, anh chị lại gặp vấn đề về cây giống, cách chăm sóc. Vì không có kinh nghiệm nên cà chua trồng lên chẳng thu hoạch được, phải phá bỏ, tất cả lại bắt đầu lại từ đầu …

Chị Nguyễn Thị Ngọc Nhung thu hoạch cà chua Isarel để cung ứng cho các cửa hàng thực phẩm sạch
 

Nhưng với sự quyết tâm, sức trẻ thì nay, những hoa thơm đã bắt đầu cho trái ngọt. Sau hơn một năm đến nay cà chua của trang trại chị đã được công nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP. Mỗi tuần chị thu hoạch được khoảng 50 – 60 kg cà chua với giá bán 40.000 - 50.000 đồng/kg. Sản phẩm được tiêu thụ ở nhiều cửa hàng như Mẹ Khây, cửa hàng giới thiệu nông sản sạch… và được người tiêu dùng ưa chuộng. Ngoài trồng cà chua và nuôi cá, anh chị cũng đang trồng thử nghiệm dưa lưới.

Chị Nhung cho biết tính đến thời điểm này, việc bán trái cà chua của chị vẫn chỉ mang tính chất chào hàng và thăm dò thị trường chứ không nhằm mục đích thu hồi vốn. Bởi lẽ, so với số vốn bỏ ra gần tỷ đồng ban đầu và phát sinh do bị hư hại… thì việc mỗi tuần bán ra vài chục kí cà chua là không thấm vào đâu. Và so với mục tiêu phấn đấu đạt năng suất chuẩn của vườn hơn 300 tấn/ha, thì với mức thu hiện tại mới chỉ là “bước khởi đầu”, cần có thêm thời gian….

Thùy Trang, Trung tâm Khuyến nông Khuyến ngư Quảng Bình
|

  
Trang KHCN phục vụ nông thôn
LOGO
Bản quyền thuộc Uỷ Ban Nhân Dân xã Nghĩa Thành, huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu
Điện thoại: (84.064) 3 881 204 - Fax: (84.064) 3 881 204
Đơn vị thiết kế: Trung tâm Tin học và Thông tin KHCN Bà Rịa - Vũng Tàu