Xuất thân từ gia đình nông dân nghèo, khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, anh Phong thi vào trường Đại học Nông nghiệp với mong muốn góp sức mình vào chiến lược phát triển cây ăn quả quê nhà bền vững. Tốt nghiệp đại học, anh đã làm việc tại các tỉnh phía Nam, nơi có truyền thống sản xuất cây ăn quả nhằm học hỏi kinh nghiệm nghiên cứu tổ chức sản xuất. Khi vốn kiến thức tích lũy được phần nào anh xin về quê và được tiếp nhận vào làm việc tại ngành nông nghiệp Hà Tĩnh với chuyên môn cây ăn quả. Dù đã phục viên 36 năm nhưng với bản lĩnh người lính, anh luôn học tập, trau dồi chuyên môn và tích cực trong mọi lĩnh vực khác. Anh Võ Tá Phong - một cán bộ không xa lạ trong ngành nông nghiệp Hà Tĩnh, cũng chính là cán bộ khuyến nông đầy tâm huyết với nghề, đã có nhiều năm cống hiến trong phát triển sản xuất cây ăn quả.
Khi cây bưởi Phúc Trạch bắt đầu ra hoa, đậu quả không ổn định gây mất mùa (năm 1997), anh đã tìm đến các chuyên gia đầu ngành cây ăn quả Việt Nam cùng tham gia nghiên cứu, tìm kiếm giải pháp khắc phục. Trải qua không ít khó khăn vất vả, đến năm 2010, nguyên nhân chính làm bưởi mất mùa bước đầu được xác định, các giải pháp kỹ thuật khắc phục đã được khảo nghiệm, chuyển giao nhân rộng cho nông hộ trồng bưởi. Cũng thời điểm đó, dự án “Bảo tồn nhân giống, khôi phục và phát triển sản xuất bưởi Phúc Trạch theo hướng hàng hóa giai đoạn 2010 – 2020” được UBND tỉnh phê duyệt. Đây chính là cơ sở để mở rộng nghiên cứu, xây dựng mô hình trình diễn, chuyển giao kỹ thuật, bảo tồn nguồn gen và nhân giống có chất lượng phục vụ chương trình phát triển sản xuất cây bưởi Phúc Trạch theo hướng hàng hóa bền vững.
Trải qua 22 năm tổ chức triển khai thực hiện, từ nghiên cứu, triển khai các đề tài, dự án đã xác định khá đầy đủ các giải pháp kỹ thuật khắc phục tình trạng ra hoa, đậu quả không ổn định gây mất mùa liên tục trong 15 năm liền. Chính những giải pháp này đã góp phần đưa diện tích bưởi của Hà Tĩnh từ 887 ha năm 2011 lên 1800 ha năm 2016; năng suất bưởi từ 0,3 tấn/ha năm 2009 lên 14,2 tấn/ha năm 2015 và hơn 15 tấn/ha năm 2016. Điều đặc biệt là nhận thức người sản xuất đã thay đổi. Từ chỗ trồng bưởi xen lẫn với các loại cây trồng khác, nông dân đã chuyển sang trồng thâm canh, đầu tư cả về vật tư, kỹ thuật cho cây bưởi.
Sản xuất bưởi đang dần đi vào ổn định năng suất, chất lượng quả đang dần được nâng lên thì cuối văn 2016, 6 đợt lũ liên tục cùng với thời tiết khí hậu cực đoan (nhiều trận áp thấp nhiệt đới, nhiều đợt gió mùa đông bắc xen kẽ gây mưa liên tục, nhiệt độ tăng, giảm thất thường) làm cho rễ bưởi chìm sâu trong nước, khiến đầu rễ bị thối, nấm xâm nhập gây chết khoảng 250 ha vườn bưởi Phúc Trạch. Trước thực trạng đó, ngành Nông nghiệp tỉnh đã trực tiếp giao Trung tâm Khuyến nông và anh Phong chủ trì nghiên cứu, tìm kiếm giải pháp nhằm phục hồi sinh trưởng, phát triển, ổn định tăng cường quá trình ra hoa, đậu quả và chuyển giao cho khoảng 9000 nông hộ sản xuất. Đến nay khoảng 1/3 diện tích cho quả bình thường; 1/3 chưa phục hồi hoàn toàn nhưng đã cho quả bằng 80% năm 2016; 1/3 diện tích cần tiếp tục chuyển giao kỹ thuật để phục hồi. Để làm được điều này anh cùng các đồng nghiệp đã phải thực hiện theo phương pháp “lũ đi là người đến”. Không quản đường xa, gian nan, thiếu thốn các anh có mặt ngay sau khi lũ đi qua khảo sát tình hình, xây dựng tài liệu kỹ thuật để hướng dẫn cụ thể cho từng người dân về cách khắc phục và cải tạo vườn bưởi nhằm hạn chế tối đa sự mất mát sau lũ đối với cây ăn quả, nhất là bưởi Phúc Trạch, cam chanh.
Anh Phong (người ngồi) đang hướng dẫn bà con kỹ thuật thâm canh cây bưởi
“Bàn tay ta làm nên tất cả, có sức người sỏi đá cũng thành cơm” và đúng thật tất cả những ngày tháng khó khăn, vất vả anh Phong và đồng nghiệp đã được bù đắp bởi những vườn cây sinh trưởng, phát triển, ra hoa, đậu quả bình thường như hôm nay. Bưởi Phúc Trạch một lần nữa lại được tái sinh bởi những người cán bộ khuyến nông.
Như lời trong bài ca khuyến nông đã viết “Khuyến nông tôi lên đường, theo tiếng gọi quê hương”, anh Phong - người cán bộ khuyến nông tâm huyết với nghề đã góp phần vào công cuộc đổi mới và làm giàu cho quê hương. Anh và các đồng nghiệp đã được Bộ Nông nghiệp, tỉnh ghi nhận những cống hiến trong nghiên cứu, chỉ đạo sản xuất, phát triển tạo thành nhiều vùng cây ăn quả hàng hóa bền vững tại địa phương./.