Đến thăm mô hình phát triển kinh tế vườn, ao chuồng (VAC) của anh Nguyễn Văn Tiển, sinh năm 1972 tại thôn Nặm Quăng, xã Quảng Ngần, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang, mọi người đều cảm phục nghị lực vượt khó vươn lên làm giàu của người nông dân không cam chịu đói nghèo.
Khi thấy khu vực vùng đồi núi tại thôn Nặm Quăng, xã Quảng Ngần có nguồn nước suối chảy quanh năm, anh Tiển đã bỏ tiền của gia đình và vay thêm ngân hàng để mua lại khu đồi có diện tích trên 6,0 ha để xây dựng trang trại tổng hợp. Qua nhiều năm khai phá và cải tạo, trang trại theo mô hình VAC của gia đình anh Tiển đã được hình thành. Trên khu đồi, anh Tiển san ủi làm các đường đồng mức để trồng cam sành với diện tích trên 4,5 ha, mỗi năm cho thu nhập khoảng 700 triệu đồng, sau khi trừ các khoản chi phí (thuê công lao động, phân bón…) còn lãi từ 450 – 500 triệu đồng.
Ngoài ra, do trang trại có diện tích đất rộng và nguồn nước chảy quanh năm, anh Tiển đã triển khai đào được trên 2.500 m2 ao thả cá. Những ao thả cá được anh Tiển xây dựng kiên cố và có nguồn nước luân chuyển tự chảy. Các loại cá được anh Tiển nuôi có giá trị kinh tế cao như cá trắm cỏ, cá trôi Ấn Độ, cá chép…, mỗi năm cho thu nhập khoảng 200 triệu đồng sau khi đã trừ các khoản chi phí đầu tư.
Bên trên bờ của các ao thả cá, anh Tiển xây dựng một dãy chuồng chăn nuôi lợn, thỏ và gà để lấy nguồn phân hữu cơ bón cho vườn cam. Mỗi năm từ chăn nuôi lợn, thỏ và gà cũng mang lại nguồn thu cho gia đình khoảng 200 triệu đồng, sau khi trừ các khoản chi phí còn lãi khoảng 120 triệu đồng.
Anh Nguyễn Văn Tiển bên một ao nuôi cá của gia đình
Anh Tiển cho biết: Trong 5 năm trở lại đây, mỗi năm bình quân gia đình anh có nguồn thu từ 750 – 800 triệu đồng từ trang trại sau khi đã trừ các khoản chi phí đầu tư. Để phát triển chăn nuôi cá, gà, thỏ thành công thì người chăn nuôi phải không ngừng học hỏi kinh nghiệm từ các hộ phát triển chăn nuôi thành công tại địa phương; ngoài ra, người chăn nuôi cũng cần phải đẩy mạnh áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong quá trình chăn nuôi và phòng trừ dịch bệnh cho đàn vật nuôi của gia đình. Riêng đối với vườn cam, gia đình chủ yếu dùng các biện pháp phòng trừ sâu bệnh tổng hợp và dùng thuốc vi sinh để nâng cao chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm đối với sản phẩm cam sành. Hàng năm, để bán cam được giá, gia đình anh thường liên hệ trực tiếp với các đại lý lớn tại Hà Nội, Hải Phòng, Việt Trì, Phú Thọ… để tiêu thụ sản phẩm, không để tư thương ép giá.
Anh Dương Văn Tịnh, Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Ngần cho biết: Trang trại của gia đình anh Nguyễn Văn Tiển là một điển hình trong phát triển kinh tế theo mô hình VAC cho thu nhập cao. Đây cũng là mô hình mở ra hướng phát triển kinh tế cho người dân xã Quảng Ngần vươn lên làm giàu trên chính mảnh đất quê hương mình.