Trước đây, ông Trần Văn Lý (Út Lý) ở phường 7, thành phố Tân An, tỉnh Long An có nguồn thu nhập chủ yếu bằng việc canh tác lúa. Tuy nhiên, với diện tích canh tác 1 ha, mỗi năm gia đình ông chỉ có lãi khoảng 50 triệu đồng.
Với trăn trở làm sao để nâng cao thu nhập cho gia đình từ mảnh ruộng của mình, ông Út Lý quyết tâm chuyển đổi sang loại cây trồng cho hiệu quả kinh tế cao hơn cây lúa. Sau thời gian nghiên cứu, theo dõi thông tin, cuối năm 2014, ông đã mạnh dạn chuyển đổi hoàn toàn phần ruộng trồng lúa của mình sang trồng thanh long ruột đỏ với 1.300 gốc thanh long.
Ông cho biết, nhân công lao động ở địa phương ngày càng khan hiếm, giá nhân công rất cao làm tăng chi phí sản xuất và gây khó khăn trong quá trình chăm sóc. Từ đó, ông Út Lý ông đã mạnh dạn đầu tư và tự thiết kế hệ thống tưới nước tiết kiệm cho vườn thanh long của mình.
Tận dụng các đường ống nhựa của hệ thống tưới nước truyền thống, ông Út Lý lắp thêm các van đóng mở để có thể điều chỉnh nước tưới tùy theo nhu cầu. Các đường ống này sẽ nối với hệ thống dây phun được thiết kế cố định một vòng tròn quanh gốc thanh long. Ở mỗi vòng tròn có bán kính 35 cm gắn 6 pet phun sương bảo đảm nước được phun phủ đều vùng rễ của gốc thanh long. Toàn bộ hệ thống này sẽ được kết nối với mô tơ bơm nước và được điều khiển bằng điều khiển từ xa nên việc vận hành hệ thống khá dễ dàng và thuận lợi. Để hạn chế việc nghẹt pet phun, ông đã bố trí lưới lọc nước (công nghệ sản xuất của Nhật) trước khi cho nước vào hệ thống.
Hệ thống tưới nước tiết kiệm cho cây thanh long do ông Út Lý tự thiết kế
Ông Út Lý cho biết, chi phí đầu tư hệ thống này khoảng 30 triệu đồng/ha (bao gồm cả công lắp đặt). So với hệ thống tưới tự động theo thiết kế của một số công ty cung cấp thì với cách thiết kế của ông tiết kiệm được 20 triệu đồng/ha mà vẫn đảm bảo yêu cầu cung cấp nước phủ đều cho gốc thanh long. Từ khi có hệ thống này, ông Út không chỉ chủ động trong việc tưới nước mà ông còn kết hợp pha phân vào hệ thống để cung cấp cho thanh long. Hệ thống này còn giúp ông giảm được khoảng 80% chi phí thuê mướn lao động (tưới nước, bón phân), tiết kiệm được 50% nước tưới, ước tính mỗi năm giảm được khoảng 20 triệu đồng chi phí sản xuất. Ngoài ra, khi bón phân cho thanh long bằng hệ thống này còn giúp tăng hiệu quả sử dụng phân bón do phân được hòa vào nước và tưới đều quanh gốc giúp thanh long hấp thu và phát triển tốt cho năng suất cao hơn.
Hiện tại, vườn thanh long nhà ông đã được 3 năm tuổi và đã cho trái ổn định. Theo ông Út Lý, trung bình mỗi năm vườn thanh long 1 ha của ông cho lợi nhuận khoảng 300 triệu đồng, cao hơn nhiều so với lợi nhuận từ trồng lúa trước đây. Từ những kết quả đạt được, trong thời gian qua, vườn thanh long của ông Út Lý với hệ thống tưới nước tiên tiến tự thiết kế này là điểm đến tham quan, học tập của nhiều bà con trồng thanh long trong và ngoài tỉnh./.
Ông Út Lý đang chăm sóc vườn thanh long của mình