Được thiên nhiên ưu đãi, Đắk Nông là một trong năm tỉnh Tây Nguyên có khả năng canh tác các loại cây công nghiệp mang lại hiệu quả kinh tế cao. Nhiều hộ dân đã trở thành tỷ phú nhờ trồng hồ tiêu, cà phê…, nhưng cũng không ít hộ nông dân phải ôm nợ do canh tác độc canh, sâu bệnh hại nhiều và giá cả nông sản lại bấp bênh.
Để nâng cao thu nhập và hạn chế rủi ro trong canh tác nông nghiệp, hiện nay trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện khá nhiều mô hình xen canh mang lại hiệu quả kinh tế cao. Điển hình là mô hình trồng xen bơ với cà phê của gia đình anh Lê Văn Hưng ở thôn Tân Phú, xã Đắk R’Moan, thị xã Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông.
Là một giáo viên dạy toán giỏi nhưng vì đam mê với trồng trọt mà anh Hưng đã nghỉ hẳn nghề giáo để làm nông nghiệp. Năm 2012, anh đã mua lại 3,5ha rẫy cà phê của 1 người quen, tuy năng suất cũng đạt nhưng giá cà phê thấp nên hiệu quả kinh tế mang lại không cao, vườn cà phê trồng thuần, không có cây che bóng nên thường hay bị khô hạn và nhiều sâu bệnh. Để nâng cao thu nhập trên cùng 1 diện tích, anh đã nảy ra ý định trồng xen. Qua tìm hiểu sách báo thấy cây cà phê và cây bơ thường có kĩ thuật chăm sóc, bón phân và tưới nước cùng thời điểm nên việc chăm sóc cho cả hai loại cây thường dễ dàng hơn, vì vậy anh đã mạnh dạn trồng xen hơn 800 cây bơ trong vườn cà phê. Các giống anh trồng chủ yếu là bơ Xuân Mười, bơ Booth 7, bơ Hass và bơ Cu Ba.
Anh Hưng chia sẻ: “Khi trồng xen bơ trong vườn cà phê anh chỉ mất một công bỏ phân hay tưới nước là có thể chăm sóc cho cả hai loại cây. Khi sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật cho cây bơ thì cây cà phê vẫn sinh trưởng và phát triển bình thường, tán cây bơ thường phát triển ở trên tầng cao, bộ rễ phát triển sâu ở tầng đất sâu, còn cây cà phê thì bộ rễ thường tập trung ở tầng đất mặt nên không ảnh hưởng nhiều đến dinh dưỡng của nhau. Ngoài ra, cây bơ còn là cây che bóng và chắn gió giúp điều hòa tiểu khí hậu trong vườn cà phê, hạn chế sự mất độ ẩm, giữ ổn định duy trì năng suất”.
Với 300 cây bơ giống Cu Ba, anh Hưng cho rằng, giống bơ mang lại hiệu quả hơn cả so với các giống bơ khác. Bơ Cu Ba có ưu điểm là cây thấp, tán nhỏ, năng suất cao và chất lượng quả đủ các tiêu chuẩn xuất khẩu như: hình bầu dục, cơm vàng, khô, dẻo, vị béo và hơi ngọt, phần thịt quả khi cắt để ở ngoài ít bị thâm đen (oxi hóa) hơn so với các loại bơ khác; hạt bơ nhỏ, không long hạt; vỏ quả dày nên dễ bảo quản khi vận chuyển. Đặc biệt, một năm bơ Cu Ba có thể thu được 2 đợt, thời điểm thu hoạch chính từ tháng 1 đến tháng 7. Mỗi trái bơ nặng từ 0,5-1 kg. Hiện tại, trung bình mỗi cây bơ cho năng suất khoảng 100 kg/năm, giá bán trung bình 70.000 - 80.000 đồng/kg bơ Cu Ba tùy vào thời điểm. Như vậy với 300 cây bơ Cu Ba và 500 cây bơ các loại khác, mỗi năm gia đình anh thu về hơn 2 tỷ đồng sau khi đã trừ chi phí đầu tư và công chăm sóc. Đồng thời khi trồng xen cây bơ, sản lượng cà phê không giảm, hiệu quả kinh tế cao gấp nhiều lần so với trồng thuần. Vườn cà phê của gia đình anh năm nào cũng cho thu hoạch ổn định 10 tấn cà phê nhân khô/năm.
Anh Hưng (áo đen) và cán bộ khuyến nông bên cây bơ Cu Ba 4 năm tuổi
Anh Hưng cho biết thêm: “Giống bơ Cu Ba rất phù hợp với khí hậu thổ nhưỡng tại địa phương và phù hợp với trồng xen mà không ảnh hưởng gì đến năng suất, chất lượng của cây trồng chính trong vườn, mang lại hiệu quả canh tác bền vững, hạn chế rủi ro trong nông nghiệp. Nếu trồng thuần thì 1 ha có thể trồng từ 400 - 500 cây bơ. Trồng thuần dễ chăm sóc và hiệu quả kinh tế cũng cao. Để bơ có thể ra trái vụ đòi hỏi kỹ thuật chăm sóc khá tỷ mỷ, trước khi ra hoa phải kích cho cây phát đọt bằng cách bón phân NPK với tỷ lệ 1-1-1, khi cây ra hoa thì nên phun thêm kali để hoa thụ phấn tốt hơn, giai đoạn quả non phun thêm phân bón lá có hàm lượng Ca và Bo cao để hạn chế rụng quả”.
Cây bơ không có nhiều sâu bệnh, chủ yếu là bị rệp sáp hại lá, bọ xít chích hút quả non và bị bệnh do nấm Phytophthora gây hại nên một năm anh thường phun phòng 2 lần các loại thuốc trừ nấm và 3 lần phòng trừ bọ xít, bọ chích hút vào giai đoạn quả non bằng các loại thuốc có nguồn gốc sinh học, quét gốc bơ bằng Booc-đô 5% và tỉa cành tạo tán thông thoáng sau mỗi đợt thu hoạch.
Nhận thấy cây bơ Cu Ba cho hiệu quả kinh tế cao, anh Hưng đang tiếp tục mở rộng thêm diện tích trồng và vườn ươm giống, luôn tận tình hướng dẫn về kỹ thuật chăm sóc cây bơ, ghép cải tạo lại bơ, cung cấp giống đảm bảo chất lượng và tỷ lệ sống cho bà con có nhu cầu. Để xây dựng thương hiệu bơ cho mình, hiện tại, anh đang tiến hành các thủ tục đăng ký cây đầu dòng giống bơ Cu Ba. /.