Sinh năm 1992, tốt nghiệp trường Cao đẳng Lương thực thực phẩm Đà Nẵng, có công ăn việc làm ổn định ở thành phố lớn nhất miền Trung, nhưng chàng trai trẻ Phan Bá Cận lại đột ngột khăn gói về quê tự mở trang trại trồng nấm với quyết tâm mình sẽ làm giàu ngay trên chính mảnh đất quê hương. Ông chủ trẻ đang ngày một ăn nên làm ra nhờ nghề trồng nấm tại thôn Kiên Phước, xã Triệu Ái, huyện Triệu Phong.
Rời giảng đường năm 2013, Cận dễ dàng tìm được cho mình một công việc ổn định ở thành phố Đà Nẵng với mức thu nhập tương đối khá. Với nhiều sinh viên mới chân ướt chân ráo bước vào đời, có lẽ ngần ấy là quá đủ để hài lòng. Tuy nhiên Phan Bá Cận lại quan niệm khác, tuổi trẻ lại có kiến thức nên cần phải có khát khao làm giàu bằng chính đôi bàn tay của mình. Đó vừa là phương châm, vừa là động lực thôi thúc cậu tìm kiếm cơ hội rẽ hướng. Cơ duyên đến với Cận vào đầu năm 2014 trong một chuyến về thăm nhà. Tình cờ đi ngang Khu Công nghiệp Ái Tử (huyện Triệu Phong), Cận phát hiện ra các xưởng chế biến gỗ ở đây thải ra lượng mùn cưa khá lớn. Ngay lậu tức trong đầu Cận nảy ra ý tưởng sản xuất nấm từ mùn cưa. Không chần chừ, Cận quyết định thôi việc ở Đà Nẵng, lật đật khăn gói về quê. Nhắc lại hành động táo bạo này, Cận tâm sự: “Ban đầu gia đình cũng can ngăn quyết liệt nhưng mình kiên trì thuyết phục. Dần dần, thay vì cấm cản, ba mẹ lại chính là người động viên và cùng sát cánh với mình trong những bước khởi nghiệp đầu đời”.
Về quê, Cận ngay lập tức bắt tay vào việc thu mua nguyên liệu, liên hệ với trường mình đã học để đặt mua phôi giống. Vốn là xứ sở nổi tiếng có khí hậu khắc nghiệt nên để đánh giá khả năng thích nghi, ban đầu Cận chỉ làm thử nghiệm vài trăm bịch nấm. Không phụ lòng người, ngay lứa nấm đầu tiên Cận đã thu được gần 70 kg nấm sò tím. Thấy hiệu quả, Cận quyết định vay 20 triệu đồng qua kênh giải quyết việc làm của Ngân hàng Chính sách cộng với 30 triệu đồng chắt chiu dành dụm của gia đình để xây dựng lán trại, lắp đặt lò hấp để mở rộng quy mô sản xuất. Để lúc nào cũng có nấm bán, Cận làm nấm theo kiểu gối đầu, cứ 4 – 5 ngày anh lại làm khoảng 1.000 bịch nấm. Hiện tại mỗi tháng trại nấm của anh trồng hơn 6.000 bịch nấm với sản phẩm chủ yếu là nấm sò tím. Mỗi ngày cho thu hoạch từ 25 – 30 kg. Với giá bán dao động từ 30.000 – 35.000 đồng/kg tùy thời điểm, tính ra mỗi ngày Cận bỏ túi trên dưới 1 triệu đồng. Ngoài ra, Cận còn tận dụng các bịch nấm đã thu hoạch xong, tưởng chừng như bỏ đi đem ủ với men vi sinh, tạo ra nguồn phân hữu cơ vô cùng tốt cho cây trồng.
Chia sẻ về kỹ thuật trồng nấm, Cận cho biết: Để trồng nấm sò, đầu tiên nguyên liệu phải được đảm bảo, cứ 1 tấn mùn cưa được ủ kỹ với khoảng 400 lít nước vôi loãng trong 5 – 7 ngày. Trong thời gian ủ, cần phải đảo trộn thật đều để mùn cưa mềm ra và loại bỏ các loại bào tử có hại. Cận tiết lộ, để bổ sung thêm chất dinh dưỡng cho nấm trong mùn cưa anh trộn thêm khoảng 5% bột bắp hoặc cám gạo, cùng với 0,1% bột nhẹ hoặc vôi sống có tác dụng ức chế các vi sinh vật gây hại và điều chỉnh pH. Hỗn hợp mùn cưa sau đó được đóng thành các bịch bằng túi ni lông chuyên dụng có trọng lượng khoảng 1,2 – 1,5 kg/bịch, đưa vào hấp ở nhiệt độ 1000C trong 6 – 8 giờ rồi mới tiến hành cấy giống nấm. Về giống nấm, ban đầu anh lấy từ Trường Cao đẳng Lương thực thực phẩm. Sau này, khi đã sản xuất với quy mô lớn, để chủ động phôi giống, Cận tìm đến Trung tâm nấm đóng ở huyện Cam Lộ để đặt mua.
Sau khi cấy nấm, các bịch nấm phải được cột chặt miệng, treo thành chùm trên giàn. Khoảng 2 – 3 ngày sợi nấm sẽ mọc lan ra trong bịch. Sau khoảng 20 – 25 ngày, khi thấy bịch nấm trắng toát như bông, cần dùng dao lam rạch 3 - 4 đường so le ở xung quanh bịch, mỗi vết rạch có độ dài từ 3 - 4cm. Từ những đường rạch này 5 – 7 ngày sau, nấm sẽ mọc ra. Khi nấm ra được 2 - 3 cm là đã có thể thu hoạch, sau đó lại tiếp tục rạch các vết khác trên bịch nấm cho đợt thu hoạch tiếp theo.
Anh Cận đang chăm sóc nấm trong trại của mình
Theo Cận, trồng nấm không quá phức tạp nhưng trong quá trình trồng phải tuân thủ đúng quy trình. Hàng ngày phải phun nước từ 2 – 3 lần để giữ độ ẩm cho trại, nếu không nấm sẽ bị khô, phát triển chậm ảnh hưởng đến năng suất; ngược lại, tưới nước nhiều quá, nấm sẽ bị chết thối. Vì thế, người trồng nấm phải kiên trì, tỉ mỉ, phải thường xuyên thăm nom, tuyệt đối không để có chuột và kiến trong trại, bởi đây là những loại côn trùng trung gian cắn phá, gây bệnh cho các loại nấm. Ngoài ra, trại nấm phải được thiết kế chắc chắn, đảm bảo độ thoáng mát. Các bịch nấm nên treo có hàng lối, giữ một khoảng cách thích hợp để dễ tưới tiêu và kịp thời phát hiện sâu bệnh. “Mỗi bịch nấm nếu được chăm sóc tốt thì có thể thu hoạch được trong khoảng 3 tháng với sản lượng từ 0,3 – 0,4 kg. Với chi phí 1 bịch nấm khoảng 4.500 – 5000 đồng thì tính ra là làm 1 lời 1”, Cận nói.
Chưa dừng lại ở đó, Cận tiết lộ, hiện anh đang tiếp tục xây dựng thêm 1 trại nấm với quy mô hơn 100m2 nữa nhằm đẩy mạnh sản xuất, nghiên cứu trồng thêm giống nấm rơm để đa dạng hóa sản phẩm. Không chỉ làm giàu cho riêng mình, Cận còn nhiệt tình hướng dẫn kỹ thuật, cung cấp phôi giống cho các hộ dân ở địa phương tận dụng thời gian nông nhàn, mang lại thu nhập cao cho gia đình.
Nhắc đến Cận, ông Lê Hài – Phó Chủ tịch UBND xã Triệu Ái nhận xét, Cận là một thanh niên dám nghĩ, dám làm và làm thành công. Xứng đáng là một tấm gương sáng về nghị lực, ý chí, một điển hình để các thanh niên ở địa phương noi theo. Ông Hài còn cho biết thêm: “Với nghị lực và ý chí của mình nên mặc dù còn rất trẻ nhưng đây đã là nhiệm kỳ trưởng thôn thứ 2 liên tiếp của Cận. Chúng tôi cũng hy vọng rằng, với bàn tay và khối óc của mình, trong thời gian tới sẽ có nhiều thanh niên như Cận vượt qua khó khăn để làm giàu ngay trên chính quê hương mình - nơi đã nuôi sống các thế hệ trong suốt hàng nghìn năm qua thay vì xếp hàng xin việc, tìm kiếm những cơ hội mong manh ở các thành phố lớn”.