Về thôn Nam Nhe, xã Sơn Tây, huyện Hương Sơn vào một ngày cuối thu, chúng tôi bị níu giữ bởi sắc đỏ đẹp mắt của những quả thanh long ruột đỏ đang độ thu hoạch. Điều làm chúng tôi càng bất ngờ hơn nữa khi phát hiện ra rằng khắp khu vườn rộng hơn 1 ha hút hồn du khách là của một thanh niên còn rất trẻ.
Sinh năm 1991 trong một gia đình thuần nông, bản thân Nguyễn Tiến Dũng chăm chỉ học hành và cố gắng thi đậu vào trường đại học Khoa học Huế với niềm tin cuộc đời sẽ khá hơn. Nhưng sau 2 năm theo học, Dũng nhận thấy đại học không phải là con đường duy nhất có thể làm giàu nên quyết định nghỉ học. Dũng chuyển hướng qua tập tành kinh doanh buôn gỗ, bán hàng đa cấp,… Sau 1 năm, do chưa có kinh nghiệm cùng với sự nóng vội Dũng đã thua lỗ hết số vốn 300 triệu đồng vay của ngân hàng và người thân. Thế là với hai bàn tay trắng, năm 2013 Dũng về quê làm lại từ đầu.
Ngày đêm trăn trở với suy nghĩ làm thế nào để có thể thoát nghèo ngay trên mảnh đất quê hương, Dũng tự mình tìm hiểu nhiều về các loại giống cây trồng, vật nuôi có thể thích hợp với vùng đồi núi quê mình, trong đó anh đặc biệt chú ý đến cây thanh long ruột đỏ. Thanh long ruột đỏ là loại cây trồng phù hợp với điều kiện canh tác vùng đồi núi, đem lại hiệu quả kinh tế cao và được người tiêu dùng ưa chuộng. Cuối cùng, Dũng quyết định thử vận may của mình với cây thanh long ruột đỏ - một giống cây mới mà ở huyện Hương Sơn khi đó chưa có ai trồng.
Mặc dù đã xác định được hướng làm ăn mới cho mình nhưng khó khăn khác lại đến với Dũng khi không còn tiền và cũng không thể vay mượn ai do nợ năm trước để lại. Còn lại chiếc xe máy là tài sản duy nhất, anh đành mang bán được 25 triệu đồng, lấy tiền mua cây giống.
Với số vốn ít ỏi nên anh xác định lấy công làm lãi, ngày đi phụ hồ, buổi tối về đổ trụ trồng cây. Trong năm đầu thử nghiệm, Dũng trồng được 200 trụ thanh long ruột đỏ. Sau 18 tháng xuống giống (tháng 4/2013), vườn thanh long ruột đỏ Dũng mong đợi đã cho thu hoạch những lứa quả đầu tiên. Bình quân mỗi gốc cho 4-5 quả, trung bình mỗi quả nặng 0,35 kg. Vụ thu hoạch ấy, Dũng hái được 1 tấn quả. Với giá bán 30.000 đồng/kg, anh thu về 30 triệu đồng. Dũng nhận thấy đây là loại cây chịu hạn tốt, ít sâu bệnh, không mất nhiều công chăm sóc, chỉ cần bón gốc bằng phân chuồng và đảm bảo đủ ánh sáng là cây phát triển tốt. Bên cạnh đó, thanh long ruột đỏ chất lượng cao, vỏ dày nên vận chuyển được đi xa. Dũng phấn khởi lắm và tin tưởng mình đã lựa chọn được giống cây trồng phù hợp với thổ nhưỡng và điều kiện khí hậu khô nóng quê nhà. Từ đó Dũng quyết định sẽ tiếp tục đầu tư vào giống cây này. Vì là giống mới, trồng đầu tiên trên địa bàn huyện Hương Sơn nên song song với việc mở rộng diện tích, Dũng cũng bắt đầu tìm kiếm thị trường tiêu thụ. Dũng đã trực tiếp mang sản phẩm của vườn mình đến từng cửa hàng hoa quả, chợ đầu mối trong tỉnh chào hàng. Nhờ chất lượng quả ngon ngọt, giá cả phải chăng, giá trị dinh dưỡng gấp đôi so với thanh long ruột trắng nên các cửa hàng đã đồng ý sẽ thu mua sản phẩm thanh long ruột đỏ của Dũng.
Dũng bên những cây thanh long ruột đỏ của mình
Nối tiếp thành công từ vụ đầu tiên, từ năm 2014 đến năm 2017, Dũng đã phát triển nhanh cả về diện tích cũng như thị trường tiêu thụ sản phẩm đối với vườn thanh long ruột đỏ của mình. Từ 0,2 ha ban đầu đã tăng lên 1 ha tại vườn nhà và mở rộng “tầm phủ sóng” 5 ha ra các huyện khác như xã Phú Lộc, huyện Can Lộc có 4 vườn; xã Sơn Quang, huyện Hương Sơn có 2 vườn; xã Hương Lâm, huyện Hương Khê có 1 vườn. Tại các vườn này, Dũng ký hợp đồng cung cấp giống và nhận bao tiêu toàn bộ sản phẩm. Thị trường tiêu thụ thanh long ruột đỏ của Dũng giờ đây không chỉ trong tỉnh mà đã mở rộng ra các tỉnh lân cận như Nghệ An, Quảng Bình, Thừa Thiên Huế.
Giờ đây Dũng đã trở thành một ông chủ trang trại thanh long ruột đỏ, chuyên nhận tư vấn kỹ thuật, cung cấp giống cây, quả cũng như tiêu thụ sản phẩm giúp bà con nông dân. Bên cạnh đó, khi vào mùa thu hoạch Dũng tạo việc làm thường xuyên cho 5 lao động với mức lương 200 nghìn/ngày. Tổng thu nhập từ trang trại, theo Dũng nhẩm tính được hơn 700 triệu đồng/năm, sau khi trừ tất cả chi phí anh thu về được khoảng 300 triệu đồng.
Nói về dự định trong tương lai, Dũng cho biết sang năm 2018 anh sẽ thực hiện và chăm sóc vườn thanh long theo kỹ thuật VietGAP để sản phẩm thanh long ruột đỏ của anh có thể tiêu thụ ở những thị trường lớn hơn như các siêu thị, chuỗi cửa hàng lớn. Ngoài ra, hiện nay Dũng còn đang tìm hiểu và nghiên cứu kỹ thuật trồng, chăm sóc cây thanh long vào chậu cảnh để làm sao quả chín vào đúng dịp Tết âm lịch sẽ giúp nâng giá trị của cây thanh long ruột đỏ cao hơn nhiều.
Không ngại khó, không ngại khổ, cộng với sự sáng tạo, tràn đầy nhiệt huyết của tuổi trẻ, Dũng đã thành công với việc đưa cây thanh long ruột đỏ về trồng trên chính mảnh đất quê hương. Giờ đây, ngoài trả hết số nợ nần ngày trước, Dũng đã xây được cho bố mẹ ngôi nhà mới khang trang, mua sắm thêm được đồ đạc tiện nghi trong gia đình. Quyết tâm làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương ngày nào của Dũng giờ đây đã trở thành hiện thực. Hy vọng sẽ có nhiều bạn trẻ dám nghĩ, dám làm như Nguyễn Tiễn Dũng giúp cho quê hương Hà Tĩnh ngày càng phát triển./.