Đến khu vực lòng hồ thủy điện Sêrêpôk 3 huyện Buôn Đôn tỉnh Đắk Lắk, nổi bật giữa những đồi cam phát triển xanh tốt là một ngôi nhà khang trang. Vào tận nơi, hỏi thăm được biết, ông Triệu Hùng là chủ nhân của ngôi nhà và vườn cam đó.
Trò chuyện với chúng tôi, ông Hùng tâm sự: gia đình ông quê ở Lạng Sơn, năm 2006 vào Đắk Lắk lập nghiệp. Ban đầu gia đình rất khó khăn, luôn là hộ nghèo của thôn. Có nghề làm nông và 3 ha đất đồi nhưng lại là loại đất xấu không thể trồng được cà phê và tiêu mà chỉ có thể trồng ngô, đậu để sinh sống. Nguồn thu nhập chính từ việc trồng ngô, đậu không cao do đất đai bạc màu khó có thể xóa được nghèo đói, nói gì đến làm giàu.
Ngày đêm trăn trở không biết trồng cây gì trên đất đồi này để có thu nhập cao hơn và từ suy nghĩ muốn trồng cây gì thay thế cũng phải có kiến thức kỹ thuật mới làm được nên ông Hùng tích cực tham gia các lớp tập huấn do khuyến nông tổ chức, chịu khó tìm tòi tài liệu, nghiên cứu học tập kiến thức sản xuất. Chưa dừng lại ở đó, ông còn bỏ công đi làm thuê cho các chủ vườn ở miền Tây Nam bộ để học tập kỹ thuật trồng chăm sóc các loại cây ăn quả. Sau một thời gian làm thuê ông gặp được một người bạn tốt giúp đỡ về kỹ thuật trồng và chăm sóc cây cam quýt.
Trở về lại địa phương, nhờ vả bạn bè vay mượn tiền, ông trồng thử 0,5 ha cam vào đầu năm 2012. Lúc đó, ông Hùng sử dụng giống cam chất lượng tốt, sạch bệnh mua từ tỉnh Bến Tre và áp dụng đúng kỹ thuật trồng chăm sóc đã được học. Sau 2 năm chăm sóc, vườn cam của ông phát triển tốt và cho thu hoạch với năng suất đạt 20 tấn/ha. Giá bán tại vườn 17.000 đồng/kg, ông thu lãi 170 triệu đồng. Hiệu quả đã rõ ràng, hướng chuyển đổi cây trồng của ông là đúng đắn và đã thành công bước đầu. Ông rất mừng, gia đình thoát được cảnh nghèo từ đây.
Được tiếp thêm nghị lực từ những thành công ban đầu cùng với sự cần cù của cả vợ chồng, ông Hùng tiếp tục vay tiền đầu tư trồng hết 3 ha cam và quýt. Đến năm 2016 cả 3 ha cam, quýt đều cho thu hoạch với năng suất bình quân đạt 22 tấn/ha, giá bán tại vườn là 15.000 đồng/kg, thu nhập gần 1 tỷ đồng. Gia đình trả được hết các khoản nợ vay đầu tư xây dựng vườn cam.
Năm 2017 vườn cam, quýt của gia đình ông cho năng suất 30 tấn/ha, giá bán tại vườn là 12.000 đồng/kg, thu nhập được trên 1 tỷ đồng. So với sản xuất cà phê, tiêu của bà con trong vùng thì trồng cam quýt thu nhập cao hơn gấp 2- 3 lần. Gia đình ông rất phấn khởi quyết định xây một ngôi nhà mới trị giá gần 1 tỷ đồng giữa vườn cam xanh tốt của gia đình để làm động lực tiếp sức cho việc chăm sóc vườn cam của gia đình.
Ông Hùng kiểm tra sự phát triển của cây cam
Thấy ông Hùng trồng cam trên đất đồi mang lại hiệu quả kinh tế cao, chất lượng quả cam rất ngon, mẫu mã đẹp không thua kém các loại cam quýt đang bán trên thị trường, các nhà thu mua đến tận vườn ký hợp đồng thu mua bao tiêu hết sản phẩm. Nhiều nông dân khác trong vùng có đất tương tự đã học tập trồng cam quýt theo ông Hùng, do vậy diện tích trồng cam, quýt trên địa bàn thôn không ngừng tăng lên.
Theo báo cáo của ông Trần Văn Thảnh, cộng tác viên khuyến nông của thôn Tân Phú cho biết thôn đã thống kê sơ bộ diện tích cam quýt tính đến cuối năm 2017 đã lên tới 500 ha, có rất nhiều vườn cam trồng từ 2-3 năm đã có thu nhập cao, nhiều hộ dân đã thoát được nghèo từ việc trồng cam.
Chia sẻ về kỹ thuật trồng cam quýt, ông Hùng nói: “Điều cần lưu ý đối với cây cam, quýt là phải sử dụng giống tốt, giống sạch bệnh và được chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật, đặc biệt là khâu phòng trừ sâu bệnh hại cam quýt. Mật độ cây trồng vừa phải khoảng 1100 cây/ha, không nên trồng quá dày sâu bệnh phát triển nhiều. Phải bón phân cân đối đúng thành phần và bón đúng lúc thì cam mới có chất lượng tốt, màu sắc mẫu mã đẹp. Ngoài ra cần phải nắm vững kỹ thuật hãm cây để cây ra hoa đậu quả lịch vụ chính thì mới tăng giá trị sản phẩm, tăng được thu nhập”.
Tuy nhiên, việc phát triển nhanh diện tích cam quýt trên địa bàn như hiện nay có nguy cơ không bền vững, được mùa mất giá, sâu bệnh sẽ phát triển nhiều sản xuất sẽ kém hiệu quả. Vì vậy đề nghị Nhà nước phải có quy hoạch cụ thể vùng sản xuất cam quýt phù hợp và có chính sách hỗ trợ để liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị bền vững.
Hiện nay ông Hùng đã vận động được 08 hộ dân thành Tổ hợp tác sản xuất cam quýt, quy mô sản xuất 15 ha cam, quýt. Năm 2017, 08 hộ dân trồng cam quýt đã tổ chức thực hiện sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP và đã được đánh giá chứng nhận sản xuất cam, quýt đạt tiêu chuẩn VietGAP; thương lái trong vùng tin tưởng về sản phẩm cam quýt sạch của các hộ sản xuất đến ký kết hợp đồng thu mua sản phẩm hàng năm.
Đây là mô hình chuyển đổi cây trồng trên đất đồi đá đã thành công, mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt, đặc biệt là các hộ dân nghèo cũng thực hiện được. Từ thành công của mô hình là cơ sở để phát triển sản xuất theo hướng hợp tác xã sản xuất và bao tiêu sản phẩm cam quýt sạch đạt tiêu chuẩn VietGAP trong thời gian tới. Các địa phương khác có thể tham khảo, thăm quan mô hình để vận dụng thực hiện ./.