Để có được cơ ngơi như ngày hôm nay, gia đình anh đã đổ bao công sức và tâm huyết vào mảnh đất này. Anh tâm sự rằng, tám năm về trước, anh Hiền cũng như bao gia đình khác ở vùng đất đồi Vũ Quang đều dành toàn bộ diện tích vườn đồi để trồng keo tràm làm nguyên liệu cho nhà máy gỗ băm dăm. Hiệu quả kinh tế từ rừng gỗ nguyên liệu không đáng kể, cuộc sống quanh năm túng thiếu, bế tắc. Trong khi anh chưa tìm được hướng đi để thoát nghèo thì cơ hội phát triển kinh tế đã đến với gia đình anh. Năm 2011, anh được Hội Nông dân xã Đức Bồng đến vận động, khuyến khích, hỗ trợ kỹ thuật trồng cây ăn quả. Đặc biệt, những chuyến đi học tập kinh nghiệm ở các địa phương trong và ngoài huyện, nhất là được tiếp cận các mô hình trồng cam cho hiệu quả kinh tế cao, từ đó đã tiếp thêm niềm tin và sự quyết tâm trong anh.
Từ những gì mắt thấy tai nghe, anh quyết tâm đưa cây cam chanh vào thay thế toàn bộ diện tích rừng keo nguyên liệu. Với ý tưởng này anh đã bị mọi người trong gia đình phản đối rất mạnh, bởi lúc đó kinh tế rất khó khăn, phải đi vay mượn nhiều nơi, sợ làm rồi thất bại thì gia đình sẽ không biết sống thế nào. Nhưng anh vẫn kiên quyết thay đổi hướng làm ăn mới và quyết tâm để thực hiện bằng được.
Không kể nắng mưa, ngày đêm, anh tập trung đào đất, lật cỏ để đưa cây cam về vườn. Sau 3 năm, những gốc cam bắt đầu cho thu hoạch, những quả cam đầu tiên được hái làm anh không thể cầm nổi sự xúc động.
“Lần thu hoạch cam đầu tiên, không chỉ tôi mà cả gia đình tôi ai cũng phải rơi nước mắt, bởi biết rằng, cơ hội sống đây rồi. Lúc đó giá cam cũng cao nên ngay mùa thu hoạch đầu tiên tôi đã “trúng đậm”, anh Hiền tâm sự.
Cứ thế, diện tích cam cho quả ngày càng tăng, thu nhập ngày càng cao và đến thời điểm này đã đạt hơn 1.000 gốc, trong đó có hơn 700 gốc. Như vụ này, tính toán trừ mọi chi phí anh thu về trên 800 triệu đồng.
Vườn cam của anh Lê Quang Hiền cho thu nhập trên 800 triệu đồng mỗi vụ
Ngoài trồng cam, anh Hiền còn chú trọng phát triển kinh tế theo hướng đa cây, đa con, lấy ngắn nuôi dài. Anh đã nuôi thêm hàng trăm con gà và 5 con bò để tận dụng lượng phân chuồng bón cho cây cam để hạn chế phân hóa học, giảm chi phí sản xuất và tăng tuổi thọ cho cây cam. Đặc biệt, đầu năm 2017, anh đã đăng ký xây dựng vườn mẫu và thực hiện quy hoạch vùng sản xuất đối với từng loại cây, con, lắp đặt hệ thống tưới tiêu bài bản... Đến thời điểm này, khu vườn đồi của anh đã được công nhận là vườn mẫu cấp xã và là một trong những vườn mẫu đang chờ được thẩm định để đạt vườn mẫu cấp tỉnh.
Ông Nguyễn Hữu Điền - Chủ tịch Hội Nông dân xã Đức Bồng cho hay: “Anh Lê Quang Hiền là một người nông dân tiêu biểu, đi đầu trong phong trào thi đua sản xuất kinh doanh giỏi của xã cũng như một tấm gương sáng trong công cuộc xây dựng nông thôn mới. Không chỉ làm kinh tế giỏi, anh Hiền còn luôn sẵn sàng giúp đỡ mọi người trong cung ứng giống, khoa học kỹ thuật để cùng nhau phát triển kinh tế vườn đồi, giảm nghèo bền vững.”/.