Qua thời gian nghiên cứu, tìm hiểu, anh Đạt nhận thấy con trùn quế dễ nuôi, lợi nhuận cao mà chi phí đầu tư thấp và không gây ô nhiễm môi trường nên anh quyết định triển khai thực hiện tại gia đình.
Năm 2013, trong lúc đang chuẩn bị các điều kiện để thực hiện mô hình nuôi trùn quế tại gia đình thì anh Đạt trúng tuyển nghĩa vụ quân sự. Tạm gác lại ước mơ, dự định của mình, anh lên đường làm nghĩa vụ quân sự theo tiếng gọi thiêng liêng của tổ quốc. Sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về, năm 2015 anh Đạt bắt tay vào thực hiện dự định còn dang dở của mình là nuôi trùn quế.
Tận dụng diện tích đất vườn nhà và nguồn phân bò sẵn có từ chăn nuôi 5 con bò của gia đình, anh Đạt đầu tư gần 2 triệu đồng để xây ô nuôi, làm mái che và liên hệ ở thành phố Hồ Chí Minh mua 100kg trùn quế sinh khối về nuôi trên diện tích thí điểm 5m2. Với vốn kiến thức đã có qua thời gian tìm tòi, học hỏi cùng bản tính siêng năng, cần cù và ý chí của một thanh niên đã được tôi luyện trong quân ngũ, anh Đạt tích cực áp dụng các biện pháp kỹ thuật vào chăm sóc, phòng bệnh và đề phòng các loại sinh vật gây hại nên trùn quế của anh sinh sôi, phát triển tốt và sau 2 tháng nuôi đã cho thu hoạch. Từ nguồn giống thu được, anh tiếp tục nhân rộng diện tích nuôi lên 10m2 và sau 6 tháng tổng diện tích ô nuôi trùng quế của anh ổn định đến nay là 60m2.
Vừa làm vừa tích lũy kinh nghiệm nên trùn quế trong ô nuôi của anh Đạt sinh sôi, phát triển tốt và cứ 2 tháng cho thu hoạch một lần. Hiện tại, với 60m2 ô nuôi, bình quân mỗi tháng anh Đạt thu hoạch khoảng 20kg trùn quế tinh (trùn làm thức ăn cho cá) và 300kg trùn quế sinh khối (trùn làm giống). Với giá bán bình quân 60.000 – 70.000 đồng/kg trùn quế tinh và 8000 đồng/kg trùn quế sinh khối, mỗi tháng anh thu nhập gần 4 triệu đồng.
Anh Đạt (người đội mũ) đang kiểm tra trùn trong ô nuôi
Để tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm trùn quế của mình, anh Đạt đã tự lập website riêng quảng bá sản phẩm và giới thiệu các kỹ thuật nuôi, chăm sóc trùn quế trên internet. Nhờ đó, sản phẩm trùn quế của anh được nhiều người biết đến, đặt mua và được tiêu thụ ở nhiều địa phương trong và ngoài tỉnh như: Nghệ An, Quảng Nam, Bình Định, Gia Lai, Đồng Nai, Hải Dương…
Ngoài thu nhập từ trùn quế, nguồn phân bò thải ra sau khi thu hoạch trùn dùng bón cho cây trồng rất tốt nên cũng được tiêu thụ mạnh. Bình quân, mỗi tháng anh bán khoảng 200kg phân với giá 4000đồng/kg, thu 800 ngàn đồng. Như vậy, tổng thu nhập từ trùn quế và phân thải ra sau khi nuôi trùn của anh Đạt khoảng 50 – 60 triệu đồng/năm.
Không những tạo thu nhập ổn định cho bản thân mà mô hình nuôi trùn quế của anh Đạt còn được nhiều người biết và đến tham quan, học tập. Với kinh nghiệm sẵn có và vốn hiểu biết của mình, anh luôn nhiệt tình chia sẻ và hướng dẫn để mọi người cùng học tập và áp dụng vào thực hiện có hiệu quả. Đồng thời, anh còn phối hợp với ban điều phối dự án cacbon thấp tỉnh Bình Định tổ chức 4 lớp tập huấn tại mô hình của mình để mọi người cùng tham quan, học tập.
Theo anh Đạt, việc nuôi trùn quế khá đơn giản và dễ làm, vốn đầu tư ít nhưng hiệu quả mang lại tương đối khá và ổn định. Hiện tại, mỗi ngày anh chỉ bỏ ra từ 2 đến 3 giờ để chăm sóc trùn, thời gian còn lại anh có thể làm nhiều việc khác để kiếm thêm thu nhập.
Anh Nguyễn Thành Đạt cho biết: “Để thực hiện thành công việc nuôi trùn quế như ngày hôm nay là nhờ nhiều yếu tố, trước hết là niềm đam mê của bản thân đối với con trùn quế, càng làm càng kích thích, lôi kéo mình; thứ hai là xuất phát từ mong muốn của bản thân là tận dụng các điều kiện sẵn có của gia đình để phát triển kinh tế bằng nông nghiệp và thứ ba là muốn gần gũi để phụ giúp và chăm sóc cho gia đình”
Không những làm kinh tế giỏi mà anh Đạt còn là bí thư chi đoàn thôn Tân Xuân. Là một thủ lĩnh thanh niên, anh luôn gương mẫu đi đầu trong các phong trào thanh niên xung kích, tình nguyện do Đoàn phát động như giúp đỡ nhân dân khắc phục hậu quả lũ lụt, quyên góp giúp đỡ những học sinh có hoàn cảnh khó khăn, thăm hỏi tặng quà các gia đình chính sách….
Anh Đặng Thành Công – bí thư xã Đoàn Cát Hanh cho biết: “Đồng chí Đạt rất nhiệt tình, nhiệt huyết trong công tác đoàn ở địa phương. Mặc dù bận nhiều công việc nhưng mỗi khi có các phong trào, hoạt động do Đoàn cấp trên phát động anh đều sắp xếp tham gia và vận động các đoàn viên khác cùng tham gia đầy đủ. Không những thế, anh luôn nhiệt tình hướng dẫn các tham niên khác khi đến tham quan, học tập mô hình nuôi trùn quế của mình để áp dụng tại gia đình, tạo việc làm và thu nhập cho nhiều thanh niên ở địa phương, góp phần đưa phong trào thanh niên ngày càng phát triển”
Chưa bằng lòng với những gì đã đạt được, hiện anh Đạt đang dự định mở rộng thêm diện tích nuôi trùn quế lên 100m2 và thực hiện thêm việc nuôi cá lóc để tận dụng nguồn thức ăn tại chỗ để tạo thêm việc làm và nâng cao thu nhập cho gia đình.
Có được kết quả như ngày hôm này là nhờ anh Nguyễn Thành Đạt đã phát huy được bản chất của người thanh niên, đó là năng động, nhạy bén, dám nghĩ, dám làm. Đồng thời, đây còn là kết quả của quá trình tìm tòi, học hỏi xây dựng mô hình phát triển kinh tế bằng những vật nuôi mới có giá trị và thân thiện với môi trường.
Tấm gương năng động, mạnh dạn trong phát triển kinh tế của anh Nguyễn Thành Đạt đáng để nhiều thanh niên khác học tập và noi theo./.