Sau 3 năm phục vụ trong quân đội thuộc đoàn an dưỡng 157 Quân khu I, cuối năm 1981 chị Vũ Thị Mai trở về địa phương rồi tiếp tục tham gia công tác tại trạm y tế xã, cán bộ dân số, chi hội trưởng phụ nữ thôn rồi đến Chủ tịch Hội liên hiệp phụ nữ xã và được nghỉ chế độ vào tháng 6/2017. Nhiều năm tham gia công tác ở nhiều vị trí khác nhau, song chị đều phát huy được phẩm chất của người lính, tính tiên phong gương mẫu của người đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; được cấp ủy, chính quyền tin tưởng, hội viên và nhân dân quý trọng.
Trở về với đời thường, chị xác định mình còn sức thì còn làm để cống hiến cho gia đình và địa phương. Là địa phương thuần nông, ngoài sản xuất 2 vụ lúa trong năm người dân thường bỏ đất trống hoặc gieo trồng các loại cây mầu hiệu quả kinh tế không cao so điều kiện sản xuất khó khăn. Đầu năm 2017 chị đã lặn lội xuống các huyện của tỉnh Hải Dương để tìm hiểu, học tập kỹ thuật trồng củ đậu. Trực tiếp thăm quan các vùng trồng củ đậu và trao đổi với người dân địa phương chị nhận thấy đồng đất quê mình cũng có nhiều điểm tương đồng. Được sự động viên, khích lệ cùng với giúp đỡ kỹ thuật của bạn bè chị đã đứng ra thuê lại đất của các hộ dân với diện tích 3 ha đất gần làng để trồng củ đậu. Đầu tháng 10/2017 chị đầu tư trên 200 triệu đồng mua giống, phân bón, khoan giếng lắp đặt hệ thống tưới và thuê nhân công có trình độ kỹ thuật từ Hải Dương về hướng dẫn kỹ thuật trồng và chăm sóc cây củ đậu.
Cây củ đậu ưa ẩm, song không chịu được úng. Do đó luống phải được làm cao từ 70-80 cm, mặt luống rộng từ 1-1,2m. Sau trồng được 2 tháng cây sẽ ra hoa và toàn bộ số hoa phải được cắt bỏ để tạo điều kiện cho củ phát triển. Đến nay, toàn bộ diện tích 3 ha cây củ đậu của gia đình sinh trưởng và phát triển tốt. Đầu tháng 1/2018, toàn bộ diện tích trồng củ đậu đã cho thu hoạch với năng suất khoảng 1,6 tấn/sào (1 sào = 360 m2).
Chị Mai cho biết toàn bộ sản phẩm đã được các đơn vị ở Hải Dương hợp đồng thu mua. Theo tính toán, với giá bán như hiện nay thì 1 sào trồng củ đậu sẽ cho thu khoảng 9 triệu đồng, với thời gian từ 3,5-4 tháng và trồng được 3 vụ trong năm. Từ việc tích tụ ruộng đất, chuyển đổi giống cây trồng chị đã tạo việc làm thời vụ cho từ 5-10 lao động địa phương với thu nhập 120 nghìn đồng/người/ngày.
Một khoảng ruộng trồng củ đậu của chị Mai
Để khuyến khích người dân tham gia tích tụ ruộng đất, chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, Chị Mai cũng như nhiều người dân Gia Bình rất cần sự quan tâm, tạo điều kiện về mặt thủ tục, thời gian thuê đất, nước tưới… để các hộ yên tâm khi đầu tư vào sản xuất.
Hy vọng rằng, với chính sách hỗ trợ của tỉnh cho các vùng sản xuất lớn, tập trung theo chuỗi sẽ là làn gió mới khuyến khích nông dân Gia Bình tích tụ ruộng đất, đưa các cây trồng có giá trị kinh tế cao vào sản xuất, xóa thế độc canh cây lúa, hướng đến nền sản xuất nông nghiệp hàng hóa chất lượng cao theo hướng bền vững.