TRANG CHỦ LIÊN HỆ SƠ ĐỒ WEB PHÔNG UNICODE TÌM KIẾM
Thứ Năm, 21/11/2024
Tin tức trong nước
Tin tức trong tỉnh
Tin thế giới
Tổng quan về xã
Hoạt động UBND
Sản phẩmGương làm kinh tế giỏi
Tài liệu KHCN
Phim KH&CN
Văn bản pháp quy
Dịch vụ
WEBSITE CÁC XÃ
Trao đổi trực tuyến
longttkhcn
quangnv2k
WEBSITE KHÁC
HÌNH ẢNH
 

Mùa thu hoạch lúa

Chăm sóc cây ăn quả

Mô hình nuôi nhím hiệu quả kinh tế cao

Lượt truy cập: 346768
  TÀI LIỆU KHCN

  Chàng trai Bí thư đoàn xã đa tài
27/03/2018

Cũng giống như những người con khác của huyện miền núi Hương Sơn, với suy nghĩ chỉ có cái học mới giúp thoát nghèo, anh Trần Thanh Cần sinh năn 1987 ở xóm Vọng Sơn, xã Sơn Phú đã nỗ lực, phấn đấu để vào đại học. Vốn là học sinh giỏi văn nên anh thi đậu vào khoa Ngữ văn, trường Đại học Sư phạm Huế. Với bước ngoặt như vậy, tương lai sẽ là một người thầy giáo dạy văn đang rộng mở chờ đợi anh. Thế nhưng, chính bản thân anh Cần cũng không ngờ rằng thực tế sau này mình là chủ trang trại nuôi thỏ.

Cơ duyên đưa anh đến với nghề nuôi thỏ cũng thật tình cờ. Trong một lần bạn rủ tới thăm mô hình nuôi thỏ ở Huế, thấy thỏ mang lại hiệu quả kinh tế cao, kỹ thuật nuôi cũng không khó đã khiến anh Cần rất thích thú. Từ lúc đó anh nuôi ước mơ trở thành ông chủ một trại thỏ ở quê hương.

Năm 2012, tốt nghiệp ra trường với tấm bằng loại ưu nhưng ước mơ làm giàu từ những chú thỏ con vẫn mãi trong suy nghĩ của anh Cần. Tuy nhiên, ý định này vừa nói ra đã nhận ngay sự phản đối của bố mẹ cũng như người thân, bạn bè. Bởi theo mọi người nghĩ, con đường làm thầy giáo sẽ bình lặng và yên ổn chứ không như nuôi thỏ, sẽ gặp bao nhiêu khó khăn, may rủi trong các khâu chọn giống, chăm sóc, tiêu thụ sản phẩm,…

Mặc dù không nhận được sự đồng ý của gia đình nhưng với sự quyết tâm của tuổi trẻ, muốn là làm cho bằng được nên anh vẫn quyết tâm thực hiện ước mơ làm giàu của mình. “Do tôi không nhận được sự ủng hộ của mọi người nên việc vay vốn để kinh doanh gặp rất nhiều khó khăn. Dù vậy tôi vẫn quyết tâm lấy ít vốn gây dựng dần dần. Khi bán được ít thỏ tôi sẽ lấy tiền đó làm vốn”, anh Cần nhớ lại quãng thời gian đầu khi rất cần vốn để bắt đầu nuôi thỏ. Với số vốn ít ỏi, khoảng 15 triệu đồng tích góp được từ tiền học bổng và làm thêm trong quá trình học đại học, anh Cần đã tìm hiểu và mua ít con thỏ giống về nuôi. Anh chia sẻ: “Tôi lên internet tìm hiểu nguồn gốc các loại thỏ, rồi tự mày mò, học hỏi các địa phương phát triển mạnh về thỏ như Thanh Hoá, Ninh Bình, Hà Nam, Hà Nội..., sau đó mua giống về nuôi”.

Tuy nhiên, thực tế không được suôn sẻ như dự định của anh. Có đến ba lần mua giống ở Hà Nam, Ninh Bình về nuôi bị thất bại. Do không có kinh nghiệm và ít vốn nên anh đã làm chuồng thỏ bằng tre, gỗ. Chuồng nuôi như thế không được bền vì bị mối mọt và lại tạo ra nấm, gây độc cho thỏ. Không chịu đầu hàng, anh vẫn quyết tâm, kiên trì thực hiện đam mê của mình. Để có vốn thực hiện kế hoạch đã ấp ủ, anh Cần đi làm thêm rất nhiều việc như phụ hồ, đi làm đường, vẽ tranh... Bên cạnh đó, anh phải thuyết phục bố mẹ rất nhiều để bố mẹ đứng ra vay vốn từ Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT mở trại trên diện tích 400 m2vườn nhà và mua thỏ địa phương nuôi lấy thịt, rồi tiếp tục nghiên cứu thêm tập tính giống loài này. Bắt tay vào giống nuôi mới, lần này anh tự tay mình làm chuồng sắt, máng ăn cho thỏ. Anh còn dùng thêm đệm lót sinh học giúp kiểm soát tốt chất thải để cách ly mầm bệnh. Thức ăn cho thỏ anh chỉ dùng lá mít, lá chuối, cỏ voi… và các phế phẩm nông nghiệp. Sau 3 tháng chăm bẵm, 60 con thỏ thương phẩm cũng được xuất bán và mang về số lãi hơn 20 triệu đồng. Với mong muốn nhân rộng đàn, anh Cần tìm hiểu thêm kiến thức chăn nuôi thỏ giống qua mạng, học hỏi kinh nghiệm những chủ trang trại lớn từ nhiều nơi. Một năm sau đó, mỗi cặp thỏ nái cho ra 5 lứa thỏ con, nhân số lượng trong chuồng có lúc lên đến hơn 1.000 con. “Thỏ sinh sản khá nhanh, mỗi cặp bố mẹ mỗi lứa đẻ từ 5 đến 10 con. Thỏ con sau khi nuôi 3 tháng sẽ bán thịt với giá 100.000-110.000 đồng/kg. Với thỏ giống mỗi con bán với giá từ 120.000 -140.000 đồng/kg”, anh Cần cho hay.

Anh Cần đang kiểm tra thỏ

 

Năm 2014, may mắn đã đến với anh Cần khi công ty thực phẩm Hà Nội về khảo sát thị trường, quyết định liên kết tiêu thụ sản phẩm nên việc phát triển chăn nuôi thỏ của anh đã thuận lợi hơn rất nhiều.  Ngoài ra, chính anh Cần là cán bộ kỹ thuật tập huấn chăn nuôi, phòng bệnh,… rồi thu mua sản phẩm thỏ thịt phụ trách huyện Hương Sơn cho công ty thực phẩm Hà Nội.

Bên cạnh đó, anh còn mở xưởng cơ khí nhỏ sản xuất máng thức ăn gia súc, chuồng chăn nuôi thỏ, gia công các sản phẩm khung cửa, cổng, lợp mái, bán các phụ kiện chăn nuôi. Anh đã tạo công ăn việc làm cho 5 lao động ở địa phương với mức lương từ 3 – 5 triệu đồng/tháng.

Ngoài tài kinh doanh, nuôi thỏ, chàng cử nhân văn chương này còn có năng khiếu hội họa, viết thư pháp, thổi sáo và làm thơ. Cứ mỗi dịp Tết đến là "ông đồ trẻ" này lại bày mực tàu trước cổng Trung tâm văn hóa huyện cho chữ, phục vụ khách hàng đam mê thú chơi thư pháp tao nhã này.

Không chỉ được biết đến là ông chủ trang trại thỏ, ông chủ xưởng cơ khí, ông đồ trẻ,… anh Trần Thanh Cần rất tích cực tham gia công tác đoàn của xã và được kết nạp Đảng vào tháng 5/2007. Hiện nay anh là Bí thư đoàn xã Sơn Phú năng nổ, giúp đỡ rất nhiều thanh niên trẻ tuổi học tập và phát triển kinh tế trên chính mảnh đất quê hương bằng chính những kinh nghiệm thực tế của mình.

Ông Nguyễn Kiến Quốc - Phó Chủ tịch UBND xã Sơn Phú - cho hay: "Trong công việc của đoàn, của xã, đồng chí Cần rất tích cực, năng nổ tham gia đầy đủ các hoạt động, phong trào. Dù bận rộn nhiều việc như nuôi thỏ, vẽ tranh, làm xưởng cơ khí, viết thư pháp,... nhưng hễ trên đoàn, xã tổ chức hoạt động gì Cần đều cố gắng, không quản ngại đi xa. Cần là một tấm gương đáng để thế hệ trẻ học tập và noi theo"./.

Hoàng Thanh-Trung Tâm Khuyến nông Hà Tĩnh
|

  
Trang KHCN phục vụ nông thôn
LOGO
Bản quyền thuộc Uỷ Ban Nhân Dân xã Nghĩa Thành, huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu
Điện thoại: (84.064) 3 881 204 - Fax: (84.064) 3 881 204
Đơn vị thiết kế: Trung tâm Tin học và Thông tin KHCN Bà Rịa - Vũng Tàu