Anh Thảo tốt nghiệp đại học công nghệ sinh học. Sau khi tốt nghiệp anh làm việc cho một công ty thuốc bảo vệ thực vật để học tiếp cao học. Vừa học vừa làm, anh Thảo chú ý tìm hiểu các mô hình sản xuất có thể ứng dụng tại quê mình, nhưng chỉ đến khi thăm mô hình nuôi trùn quế kết hợp nuôi bò ở miền Đông, anh mới thấy ưng ý.
Sau đó, anh Thảo nhiều lần đi tham quan tại các mô hình nuôi trùn quế tại thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh khác. Càng đi anh càng thấy thích vì đúng với chuyên ngành học nên anh quyết tâm học hỏi. Tích cóp được ít vốn, anh trở về quê xây dựng nhà nuôi trùn với diện tích 200 m2 hết 50 triệu đồng và 20 triệu tiền giống.
Anh Thảo chia sẻ, mới đầu cũng hơi lo nhưng sau thời gian nuôi anh nhận thấy trùn quế rất thích hợp với nhiệt độ nơi đây… Hiện trang trại của anh đã mở rộng 400m², chia làm 2 khu nuôi gồm: khu trùn giống, trùn thịt và phân trùn. Anh còn đầu tư thêm cả hệ thống phun sương để giữ ẩm trại. Theo anh Thảo, nuôi trùn quế không khó, cơ bản là phải đảm bảo nhiệt độ thích hợp cho trùn sinh sống. Nhiệt độ từ 20-28 độ C, tưới nước và giữ ẩm trại và phải đảm bảo nguồn thức ăn thường xuyên cho trùn. Thức ăn của trùn cũng dễ tìm như phân heo, bò, các phụ phẩm chăn nuôi như bã mía, rau củ quả thức ăn. Ngoài nguồn phân bò của gia đình, anh Thảo còn hợp đồng thu mua từ các hộ chăn nuôi ở địa phương với giá từ 4.000 đến 7.000 đồng/bao 25 kg, tùy theo xa hoặc gần. Trùn quế dễ sống, ít bệnh nên dễ nuôi hơn các loài khác.
Anh Thảo dẫn chúng tôi đi tham quan nhà nuôi trùn quế của gia đình mình
Dẫn chúng tôi tham quan 2 nhà nuôi trùn quế, anh cho biết sản phẩm phân trùn của anh 4 tháng xuất một lần, mỗi lần được 60 tấn với độ ẩm là 40%, với giá bán 4.000 đồng/kg anh thu về 240 triệu đồng. Còn trùn thịt thì 1 tháng anh xuất bán 1 lần được 400 kg, giá bán 45.000 đồng/kg anh thu được 18 triệu đồng. Sản phẩm phân trùn của anh không đủ bán, được các chủ trang trại lớn ở các tỉnh Đăk Lăk, thành phố Hồ Chí Minh, Kon Tum, Đồng Nai, Hậu Giang, Đồng Tháp đặt hàng thường xuyên.
Trại nuôi trùn của anh Thảo còn liên kết với trường Đại học Kiên Giang, Đại học Cửu Long… nhân rộng mô hình và cho các sinh viên đến nghiên cứu và học tập.
Ngoài ra, anh còn sử dụng trùn quế trong chăn nuôi của chính gia đình. Anh s sử dụng trùn làm thức ăn cho heo, gà, bò; sau đó lại sử dụng phân heo, gà, bò để nuôi lại trùn quế… Nhờ sản xuất khép kín, gia đình anh tiết kiệm được khá nhiều chi phí trong chăn nuôi.
Từ bán trùn giống, trùn thịt, phân trùn... sau khi trừ chi phí, thu nhập trung bình của anh đạt từ 20-25 triệu đồng/tháng. Từ số vốn ban đầu gần 100 triệu, hiện tại anh Thảo đã có trong tay hơn 1 tỷ đồng.
Anh Thảo cho biết, anh dự định sẽ xây dựng nhà máy đóng bao bì phân trùn, phòng nghiên cứu chuyên về sản xuất sản phẩm hữu cơ, mở đường giao thông nội bộ có chiều dài khoảng 2km để vận chuyển thức ăn và các nguyên liệu cần thiết cho trại nuôi trùn.
Khởi nghiệp thành công, anh Thảo tự nguyện đem hết những kinh nghiệm tích lũy được chia sẻ cho bà con nông dân ở địa phương. Anh gia nhập câu lạc bộ khuyến nông xã Thuận Thới để cùng sinh hoạt và hướng dẫn các thành viên trong CLB về mô hình và hợp đồng bao tiêu đầu ra cho thành viên trong CLB nếu tham gia thực hiện mô hình cùng với anh.
Ông Tô Văn Em - chủ tịch Hội Nông dân xã Thuận Thới cho biết: “Mô hình nuôi trùn quế của anh Thảo tại địa phương rất mới và cho hiệu quả cao. Anh Thảo là thanh niên có ý chí và sẵn sàng giúp đỡ chia sẻ những kinh nghiệm của mình trong quá trình nuôi trùn quế cho nông dân ở địa phương. Trong thời gian tới chúng tôi sẽ đưa các hội viên nông dân trong xã đến tham gia học hỏi mô hình. Mô hình của anh Thảo góp phần giúp địa phương hoàn thành tiêu chí số 17 (tiêu chí môi trường) trong xây dựng nông thôn mới”.