Trong số những nông dân điển hình sản xuất, kinh doanh giỏi của tỉnh, “lão nông” Hoàng Đình Anh ở tại khu phố 9 (phường Đông Giang – TP. Đông Hà) là một trong những nhân tố tích cực. Nhờ con tôm hiện ông có trong tay tài sản nhiều tỷ đồng, sở hữu khu nuôi tôm trên 9.000 m2, mỗi năm mang lại thu nhập trên 1,1 tỷ đồng.
Biến đồng hoang thành đất vàng
Vụ tôm năm nay ông Anh nuôi thả nuôi 3 ao với tổng diện tích gần 0,9 ha, là người nuôi tôm nhiều nhất của HTX Đông Giang 2 (phường Đông Giang – TP. Đông Hà). Ông Anh cho biết: “Với diện tích từng ấy chỉ tính riêng từ năm 2011 đến nay năm nào tôi cũng thu được trên dưới 1,1 tỷ đồng, trừ hết chi phí, lãi khoảng 500 – 600 triệu đồng trong thời gian 4 tháng”.
Khi được hỏi về bí quyết nuôi tôm thành công, ông Anh nói ngay: “Thực tế chẳng có bí quyết gì đâu, cách thức nuôi tôm của tôi thì người dân đã biết từ nhiều năm nay, tôi không giấu kỹ thuật nuôi để làm giàu cho riêng mình. Đó chỉ là chuẩn bị ao hồ cho sạch sẽ, hợp vệ sinh, chọn nguồn giống tốt, có nguồn gốc rõ ràng, chăm sóc chu đáo thì sẽ cho kết quả khả quan”.
Ông Anh là người đầu tiên của phường Đông Giang nói riêng và TP. Đông Hà nói chung đứng ra nuôi tôm sú. Nhờ ông mạnh dạn đi đầu trong việc làm kinh tế mà nhiều bà con học theo ông làm giàu. Trong câu chuyện nhọc nhằn về đời nuôi tôm, ông Anh không giấu được những vất vả, lo âu với con tôm từ khi thả xuống ao đến ngày thu hoạch. Khi nào bán được tôm, cầm tiền trong tay mới nắm chắc là thắng lợi.
Ông Anh bộc bạch: “Cuối những năm 90 thế kỷ trước, ở tỉnh ta lúc này phong trào nuôi tôm nước lợ bắt đầu manh nha phát triển. Năm 1997, tôi và gia đình đã mạnh dạn nhận thầu lại cánh đồng trũng bỏ hoang ven sông Hiếu của phường. Rồi vận động anh em họ hàng hai bên gia đình tập trung công sức và tiền của vào đầu tư đắp đập, trồng cây chắn sóng bảo vệ đập và đầu tư nuôi tôm, cua theo phương thức quảng canh. Lúc đầu bắt tay vào công việc, tôi gặp muôn vàn khó khăn, thiếu vốn, thiếu kỹ thuật, thiếu cả gạo ăn, thức uống để duy trì sức người trong hành trình đắp đê, cải tạo ao đầm…”. Có ao đầm rồi ông lại lặn lội vào tận Thuận An (Thừa Thiên Huế) tìm mua tôm giống để thả nuôi. Vừa làm vừa học hỏi thêm kinh nghiệm từ những mô hình khác, đến cuối năm, thu hoạch tôm trong ao đầm xong, sau khi trừ chi phí ông còn dư được 25 triệu đồng.
“Không thể tả nổi niềm xúc động lúc đó, 25 triệu đồng thời điểm đó lớn lắm. Đặc biệt là với người nông dân như tôi, chưa bao giờ trong tay tôi cầm số tiền lớn như vậy”, ông Anh cho hay.
Ông Hoàng Đình Anh bên ao nuôi tôm của mình
Nắm chắc được kỹ thuật trong tay cùng với kinh nghiệm, ông tự tin mở rộng thêm diện tích ao. Mỗi năm sau khi trừ chi phí ông bỏ túi từ 70 – 90 triệu đồng. Chưa dừng lại ở đó, sau khi đi tìm hiểu kinh nghiệm ở một số vùng nuôi trong và ngoài tỉnh, ông nhận thấy tại sao vẫn đất đấy, nước đấy mà người ta lại đào ao nuôi tôm thâm canh, bán thâm canh với năng suất cao trong khi mình vẫn mãi nuôi theo kiểu quảng canh. Và bài học được ông rút ra là muốn làm giàu từ con tôm thì cần phải đầu tư bài bản, quy củ. Năm 2003, cơ duyên lại đến với ông khi dự án đầu tư cơ sở hạ tầng (thuộc Sở Thủy sản cũ, nay là Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) quyết định đầu tư cho ông cùng 7 hộ khác trong phường toàn bộ hạ tầng ao nuôi như đê bao, mương dẫn nước… với tổng diện tích 5 ha. Lúc này được gia đình bạn bè động viên, ông tiếp tục vay vốn và đầu tư một ao nuôi 4.000 m2 theo đúng theo quy mô bán thâm canh: Ao có đê bao chắc chắn, có máy quạt nước, đầu tư thức ăn, hóa chất xử lý nước bài bản. Giữa năm 2003, ông mua giống về thả vụ đầu tiên. Sau 4 tháng nuôi, quả ngọt đầu tiên đã tới với vụ tôm thắng lợi. Trừ hết chi phí ông còn lãi được trên 100 triệu đồng. Các hộ cùng làm với ông cũng lãi từ 50 – 70 triệu đồng mỗi hộ.
Hiện tại, gia đình “lão nông” Hoàng Đình Anh có 3 ao nuôi với tổng diện tích 0,9 ha. Gần 15 năm nuôi tôm, sản lượng tôm của gia đình ông đều đạt cao và ổn định. Không chỉ làm giàu cho gia đình, ông còn chia sẻ kinh nghiệm, bí quyết làm giàu cho nhiều gia đình trong phường. Đến nay toàn phường đã chuyển đổi được gần 21 ha đất màu kém hiệu quả ven sông Hiếu sang nuôi tôm. Bình quân mỗi hộ từ 3.000 – 4.000 m2, một số hộ có diện tích lớn từ 8.000 – 9.000 m2. Chỉ tính riêng vụ nuôi tôm 2017, bình quân mỗi ao nuôi cho lãi từ 150 – 180 triệu đồng. Riêng ông cũng bỏ túi hơn 600 triệu đồng.
Nâng cao ý thức cộng đồng
Tâm sự với chúng tôi ông Anh cho biết: Nghề nuôi tôm mặc dù đem lại hiệu quả kinh tế cao nhưng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro vì vậy muốn thắng lợi thì người nuôi tôm cần phải có ý thức cộng đồng. Ngay ở vùng nuôi của chúng tôi đây, trong các năm từ 2003 – 2006, bà con nuôi tôm liên tục thắng lớn, lãi bình quân từ 70 – 100 triệu đồng mỗi hộ. Lúc này người nuôi tôm bắt đầu nảy sinh tâm lý tự mãn, chủ quan, không tuân thủ lịch thời vụ của ngành nông nghiệp, không thực hiện đúng quy trình kỹ thuật. Ngay lập tức, vụ nuôi tôm 2007, toàn bộ diện tích nuôi tôm của phường Đông Giang bị dịch bệnh đốm trắng hoành hành, số ao nuôi có lãi chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Những vụ nuôi tôm tiếp theo, dịch bệnh lại tiếp tục xảy ra làm nhiều hộ không dám nuôi tiếp.
Trước tình hình ấy, đầu năm 2010 UBND phường Đông Giang đã giao cho HTX Đông Giang 2 trực tiếp quản lý vùng nuôi. Với uy tín và kinh nghiệm của mình, ông Anh được người nuôi tôm tín nhiệm bầu làm tổ trưởng tổ nuôi tôm cộng đồng. Có trách nhiệm trong việc điều hành xử lý nước, cải tạo ao nuôi, lựa chọn con giống… vận động sự giúp đỡ về kỹ thuật từ các cơ quan chuyên môn.
“Ngay từ đầu vụ nuôi chúng tôi đã tổ chức họp toàn thể các thành viên trong tổ, thông qua quy chế của tổ như: Cải tạo ao hồ thế nào; Bơm nước vào thời điểm nào; Tôm giống nên lấy ở đâu. Khi phát hiện tôm có hiện tượng bị bệnh thì xử lý kịp thời, không để lây lan ra diện rộng… Tất cả đều được chúng tôi thông qua và cùng cam kết thực hiện. Hộ nào làm sai thì có chế tài xử phạt rõ ràng. Nhờ vậy từ năm 2010 đến nay, chỉ trừ năm 2016 bị ảnh hưởng do sự cố môi trường biển, còn lại các hộ nuôi tôm đều được mùa toàn diện, lãi bình quân từ 150 – 200 triệu đồng mỗi hộ”, ông Anh cho hay.
Với những thành tích rất đáng nể phục trong việc vươn lên làm giàu chính đáng cho chính mình và bà con nông dân, nhiều năm liền ông Hoàng Đình Anh đã được Hội Nông dân tỉnh bình chọn là hộ sản xuất giỏi cấp Trung ương và được Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen có thành tích trong phong trào nông dân thi đua sản xuất giỏi giúp nhau giảm nghèo bền vững, giai đoạn 2012 - 2016. Mới đây, vào tháng 9/2017, ông vinh dự là một trong 4 nông dân tiêu biểu của tỉnh Quảng Trị được chọn tham dự hội nghị tổng kết phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi toàn quốc, giai đoạn 2012 - 2017 tại Hà Nội và được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen.
Câu chuyện vượt khó của ông Hoàng Đình Anh xứng đáng là động lực để các hộ nông dân không ngừng nỗ lực vượt qua khó khăn, xây dựng một cuộc sống mới từ đôi bàn tay và ý chí vươn lên làm giàu.