Qua sách, báo, ti-vi và tham quan thực tế các mô hình trồng cam đường canh tại thành phố Đà Lạt và huyện Lạc Dương, ông Túc nhận thấy cây cam đường canh là loại cây có giá trị kinh tế cao, nếu trồng và chăm sóc tốt thì đây sẽ là loại cây làm giàu cho gia đình. Từ suy nghĩ đó, tháng 3/2015, từ 03ha trồng cà chua, ông đã mạnh dạn phá bỏ 08 sào để bắt tay vào trồng 800 gốc cam đường canh với khoảng cách 3x3 (m). Đây là khoảng cách giúp cây cam đón được lượng ánh sáng tối ưu đồng thời có không gian để phát triển tán.
Ngồi nhìn vườn cam xanh ngát thẳng tắp, ông Túc hào hứng cho biết: Ông mua giống cam đường canh này từ Công ty TNHH Cao Lâm (huyện Lạc Dương) với giá 30.000 đồng/gốc. Công ty hỗ trợ tư vấn về mặt kỹ thuật, cách bón phân, chăm sóc, bên cạnh đó, ông cùng các thành viên trong gia đình không ngừng tìm kiếm thông tin trên mạng về cách chăm sóc, bón phân vườn cam sao cho đạt năng suất và chất lượng tốt nhất. Để lấy ngắn nuôi dài, 02 năm đầu khi cây cam còn nhỏ, tán hẹp, ông trồng xen một số loài cây như cà chua, bầu bí, đậu để có thêm thu nhập mà không làm ảnh hưởng tới vườn cam.
Sau 2,5 năm trồng, chăm sóc theo đúng quy trình kỹ thuật, bón phân hợp lý, tháng 10/2017 vườn cam của ông đã cho thu hoạch lứa đầu tiên. Cam trái đều, đẹp, trọng lượng đạt khoảng 10-12 trái/kg, có những trái to đạt 04 trái/kg. Với 800 gốc cam, trung bình mỗi gốc thu được 20-25 kg. Ước tính từ tháng 10/2017 đến tháng 2/2018 gia đình ông thu được hơn 16 tấn trái, giá trung bình một kg cam 50.000 đồng, sau khi trừ các chi phí đầu tư chăm sóc, đã mang lại thu nhập cho gia đình ông 600-700 triệu đồng.
So với trồng cà chua năng suất, giá cả không ổn định, nhiều dịch bệnh, tốn nhiều chi phí và nhân công, thì trồng cam chỉ đầu tư một lần, vừa ít tốn công chăm sóc, vừa cho thu nhập cao hơn gấp nhiều lần. Trồng cam đầu tư không nhiều nhưng quan trọng là phải chịu khó học hỏi những kỹ thuật về điều hòa sinh trưởng cho cây, thời điểm khoanh (vanh) gốc, kỹ thuật tỉa cành, tạo tán… bởi nếu không chăm sóc đúng kỹ thuật, cây cam sẽ không ra trái, hoặc rụng trái non, nứt trái, trái sượng và nhạt. Theo ông, để cam ra nhiều hoa, trước khi cây ra hoa 1 tháng nên tiến hành khoanh lần thứ nhất cách gốc 30 – 40 cm, khoanh lần thứ hai sau khi cây ra hoa 1 tháng và trước khi ra lộc non để tránh rụng quả. Khoanh 2 vòng cách nhau 1 – 2 cm. Khi khoanh cần dùng dao sắc và tiệt trùng, nên dùng dao chuyên dụng là tốt nhất. Khoanh vuông góc với thân, sao cho dao chạm tới phần thân. Sau 1-2 ngày thấy vết khoanh đùn ra nhựa là đạt yêu cầu. Nếu gặp thời tiết bất lợi, nên che nilon để cho vết khoanh không bị nhiễm nấm bệnh.
Ông Túc bên vườn cam chuẩn bị ra bông
Hiện nay, ông Túc đang tiến hành chăm sóc, tỉa cành, bón phân để vườn cam của gia đình ông cho nhiều hoa, kết hợp với phương pháp khoanh gốc, ủ đậu tương (ủ 10-15 ngày, pha loãng tưới cho cây hoặc bón vào gốc với 1 kg đậu tương bón cho 02 gốc cam) để cho cam đậu được nhiều quả chất lượng, giảm hiện tượng rụng quả.
“Mới vụ bói mà có cây đạt tới 30 kg trái. Nếu chăm đúng kỹ thuật, vườn cam này có thể đạt 45-55 tấn trái/năm, thu nhập tiền tỷ là không khó”, ông Túc chia sẻ.
Trong thời gian tới, gia đình ông dự kiến sẽ tiến hành trải bạt quanh vườn cam để dễ chăm sóc, thu hái và tạo độ ẩm cho đất, đồng thời nhân giống, mở rộng thêm diện tích trồng cam. Hiện nay, thị trường tràn ngập trái cam, quýt nhập ngoại trong khi người tiêu dùng rất ưa chuộng những loài trái cây được trồng ngay tại địa phương. Cây cam canh giờ đã trở nên quen thuộc với người tiêu dùng và chắc chắn thị trường cho loại trái này là rất lớn.
Là người đầu tiên mang cam đường canh trồng tại Ka đơn, cây cam đường canh phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu nơi đây, ông mong muốn sẽ xây dựng được một nông trại trồng cam an toan sinh học để giới thiệu cho bà con, du khách đến tham quan, học hỏi./.