Sinh ra và lớn lên trên vùng cát trắng Ngư Thủy Trung, cuộc sống của vợ chồng anh Nguyễn Quang Ngọc (1984) và chị Phan Thị Thu (1986) chủ yếu dựa vào nghề biển nên bấp bênh, không ổn định. Không nỡ rời quê hương dù nhiều người cùng làng đã ra đi tìm kế mưu sinh, vợ chồng anh Ngọc ở lại ấp ủ tính chuyện làm kinh tế. Thế nhưng, sinh kế của ngư dân các xã bãi ngang Ngư Thủy chủ yếu bám vào nghề biển gần bờ nên việc “nuôi con gì, trồng cây gì” trên cát trắng cũng là điều khiến vợ chồng anh Ngọc trăn trở.
Năm 2006, khi xem trên ti vi thấy mô hình nuôi chim cút của nông dân các tỉnh phía Nam mang lại hiệu quả, anh Nguyễn Quang Ngọc liền bàn với vợ tìm hiểu để nuôi chim cút. Thế rồi được sự giới thiệu của cậu em trai và sự động viên của vợ, anh Ngọc khăn gói vào Quảng Ngãi học nghề nuôi chim cút, một nghề lạ lẫm với ngư dân vùng cát Ngư Thủy thời bấy giờ. Sau khi học nghề, trở về quê hương, anh vay mượn 30 triệu đồng đầu tư chuồng trại và mua khoảng 500 con chim cút giống ở Đà Nẵng về nuôi thử, rồi sau đó dần mở rộng quy mô lên 2.000 con, 10.000 con, có thời điểm lên tới 15.000 con. Ngoài nuôi chim đẻ trứng, vợ chồng anh Ngọc còn đầu tư thêm 2 lò ấp trứng để cung cấp trứng cút lộn cho thị trường.
“Mới đầu, vợ chồng tôi cũng gặp không ít khó khăn do chưa có nhiều kiến thức cũng như kinh nghiệm nuôi chim cút. Lúc đó vốn liếng ít, chuồng trại đơn giản, chủ yếu nuôi theo phương pháp thủ công, lại chưa biết cách chăm sóc nên chim cút chết nhiều, chậm lớn và tỷ lệ đẻ trứng thấp. Rồi thời điểm năm 2009, thời tiết mưa lạnh kéo dài khiến chim cút chết hàng loạt, thiệt hại của trang trại lên đến cả trăm triệu đồng. Đặc biệt, cơn bão lớn cuối năm 2013 đã khiến trang trại nuôi chim cút gần như bị xóa sổ” – anh Ngọc nhớ lại.
Không chịu khuất phục trước khó khăn, anh Ngọc lại tiếp tục lặn lội ra Hà Nội và vào Quảng Ngãi để học tập các mô hình nuôi chim cút theo công nghệ Nhật Bản. Trở về nhà, với số vốn tích lũy được, anh Ngọc vay mượn ngân hàng và anh em, bạn bè để đầu tư 5 tỷ đồng xây dựng trang trại tổng hợp với quy mô trên 2ha, gồm nuôi và dịch vụ cung cấp con giống, chim thịt, trứng chim cút và cá nước ngọt thương phẩm. Để nuôi chim cút, anh xây dựng 3 phân khu riêng biệt với số lượng khoảng 35.000 con chim cút các loại.
Chị Phan Thị Thu chia sẻ: “Chim cút là đối tượng nuôi ít bệnh tật và hầu như không bị dịch bệnh nên rất dễ nuôi. Tuy nhiên, chim cút thích sống những nơi cao ráo, thoáng mát, do đó người nuôi cần phải chú ý vệ sinh chuồng trại, phun thuốc khử trùng thường xuyên để đảm bảo môi trường sống thoáng mát cho chúng. Loại chim này có chu kỳ sinh trưởng bình quân khoảng 8 tháng; chim cút mái bắt đầu đẻ trứng sau 35 ngày tuổi, nếu chăm sóc đúng kỹ thuật thì mỗi con chim cút đẻ 1 quả trứng/ngày. Sau khi phân loại, trứng chim cút được cho vào 6 lò ấp để tạo thành trứng lộn và nguồn giống mới cho các lứa sau. Chim cút mái được nuôi đẻ trứng cho đến lúc năng suất đẻ trứng giảm thì sẽ xả đàn để gây lại đàn mới”.
Mô hình trang trại nuôi chim cút trên cát của gia đình anh Nguyễn Quang Ngọc thu tiền tỷ mỗi năm
Trung bình mỗi ngày trang trại xuất bán ra thị trường trong và ngoài tỉnh khoảng 10.000 quả trứng cút, 12.000 quả trứng cút lộn, 500 con chim cút thịt. Doanh thu mỗi tháng bán các sản phẩm từ chim cút ước tính trên 200 triệu đồng, trừ chi phí còn lãi khoảng 70 triệu đồng/tháng. Phân chim cút cũng được tận dụng làm thức ăn nuôi cá và bán cho những gia đình sản xuất nông nghiệp, mỗi năm thu được khoảng 100 triệu đồng. Ngoài ra, vợ chồng anh Ngọc còn đầu tư mua 2 xe ô tô tải để chủ động trong khâu vận chuyển các sản phẩm từ chim cút đi tiêu thụ trong và ngoài tỉnh, đồng thời làm dịch vụ vận tải cho những người có nhu cầu.
Theo ông Nguyễn Quang Kiền, Chủ tịch Hội Nông dân xã Ngư Thủy Trung, vợ chồng anh Ngọc tuy còn trẻ nhưng rất năng động, sáng tạo trong làm ăn kinh tế. Đặc biệt, mô hình nuôi chim cút theo công nghệ cao của anh Ngọc được rất nhiều người đến học hỏi kinh nghiệm. Đây cũng là mô hình chăn nuôi đem lại hiệu quả kinh tế cao có thể nhân rộng tại địa phương.
Ngoài nuôi chim cút, trang trại của vợ chồng anh Ngọc còn có 2 ao nuôi cá nước ngọt với diện tích khoảng 1ha, doanh thu mỗi năm gần 500 triệu đồng. Tổng doanh thu của trang trại khoảng 2,5 tỷ đồng/năm, trừ chi phí còn thu lãi trên 1 tỷ đồng/năm. Với mô hình trang trại tổng hợp của mình, vợ chồng anh Ngọc còn tạo việc làm thường xuyên cho 8 lao động tại địa phương với mức thu nhập khoảng 6 triệu đồng/tháng và 7 lao động thời vụ với mức thu nhập 200.000 đồng/người/ngày. Ngoài ra, vợ chồng anh Ngọc còn giúp đỡ về vốn, vật tư nông nghiệp cho hàng chục hộ dân trong xã vươn lên thoát nghèo.