Được sự giới thiệu của cán bộ xã, chúng tôi đi từ UBND xã Thái Sơn theo đường tỉnh lộ ĐT190 khoảng 4 km, rẽ phải đi hết con đường đường bê tông và theo đường nhỏ chạy ngược lên núi để đến khu trang trại trồng cây ăn quả, kết hợp chăn nuôi của gia đình anh Nguyễn Văn Cám và chị Chu Thị Đậu, thôn 1- An Thạch, xã Thái Sơn. Mời chúng tôi vào nhà, vừa pha chè, anh Cám vui vẻ nói: “Phát triển kinh tế trang trại trên đất núi vất vả lắm, phải là người kiên trì, chịu khó mới vượt lên để có những kết quả như ngày hôm nay”.
Anh Cám kể, khi mới xây dựng gia đình (năm 1990), do thiếu đất sản xuất, với 5 sào ruộng lúa và mảnh đất vườn quanh nhà chỉ đủ chăn nuôi vài con lợn và mấy chục con gà, làm lụng vất vả cả năm nhưng đến khi thu hoạch cũng chẳng được bao nhiêu. Đến cuối năm 2006, anh bàn với vợ quyết định mua đất mở trang trại. Ban đầu anh mua lại khu vườn với 200 gốc cam của người cùng thôn để đầu tư chăm sóc; vụ cam năm 2007, cam rất sai quả nhưng do chưa có nhiều kinh nghiệm về chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cam nên trong thời gian thu hoạch, quả bị rụng nhiều; đường đi lại còn khó khăn, phải thuê người gánh bộ xuống chân núi, cùng với giá cam trên thị trường xuống thấp, nên năm đó gia đình anh bị thua lỗ nhiều. Quá thất vọng, không còn vốn để tiếp tục đầu tư, anh xuống núi và chuyển nghề mộc nhưng gắn bó 5 năm với nghề đóng đồ gia dụng cũng chỉ đủ ăn chứ không có tiền để tích lũy.
Một góc trang trại tổng hợp của gia đình anh Nguyễn Văn Cám
Năm 2013, sau nhiều đêm trăn trở, tính toán mưu sinh cuộc sống cho cả gia đình, anh cùng chị quyết tâm quay lại núi để phục hồi trang trại. Rút kinh nghiệm từ lần thất bại trước, anh dành thời gian đến những trang trại quanh vùng làm ăn có hiệu quả để trao đổi, học hỏi, đồng thời tham gia các lớp tập huấn do khuyến nông tổ chức và tham khảo trên các phương tiện thông tin đại chúng về kỹ thuật trồng, chăm sóc cây ăn quả và kỹ thuật chăn nuôi gia cầm... Để có đủ quỹ đất cho hai vợ chồng chuyên tâm canh tác, anh đã vận động dồn đổi và mua thêm đất với một số hộ có đất liền kề nhằm thuận lợi cho việc canh tác và quản lý. Sau khi có gần 02 ha đất liền khoảnh, anh tiến hành cuốc hố và bố trí giống cây trồng phù hợp cho từng khu đất. Với 200 cây cam Sành đã có, anh tập trung chăm sóc phục hồi để cho thu hoạch sản phẩm ngay cuối năm, ngoài ra mua giống trồng thêm 350 cây cam Sành, 200 cây cam Vinh và 300 cây cam Canh. Để tránh lặp lại việc chuyên canh cây cam Sành dẫn đến thua lỗ khi cam được mùa lại mất giá, anh vay mượn thêm vốn đầu tư nuôi gà thả vườn để tăng thu nhập, lấy ngắn nuôi dài; anh chọn giống gà ri địa phương lai với giống gà rừng tự nhiên cho ra con lai có đủ sức chống chịu, phù hợp với địa hình, khí hậu đồi núi.
Khi đã xác định rõ được loại cây trồng và vật nuôi phù hợp, hai vợ chồng anh cùng nhau miệt mài chăm sóc cây và đàn gà với hy vọng sẽ tới ngày gà và cây không phụ công người... Với niềm tin đó, cây cam và đàn gà đã bù lại cho anh chị những tháng ngày vất vả bằng quả ngon, trứng sạch. Từ năm 2014 đến 2016 với 200 cây cam Sành trên 15 tuổi (sau khi phục hồi, chăm sóc) đã cho thu nhập đều đặn, đủ chi phí cho gia đình và tái đầu tư chăm sóc cho toàn bộ vườn cây. Năm 2017 khi số cam trồng mới bắt đầu cho quả, đến kỳ thu hoạch anh bán cam thu về khoảng 180 triệu đồng, cộng với 30 triệu đồng tiền bán sản phẩm gà đồi, vợ chồng anh thu nhập trên 200 triệu đồng. Hiện tại vụ cam 2018 đã ra hoa, kết quả, mật độ quả sai, đồng đều, cây trái sinh trưởng và phát triển tốt, anh nhẩm tính và cho biết, nếu thời tiết thuận lợi, không bị thiên tai và dịch bệnh gây hại, dự kiến thu khoảng 30 tấn quả. Nếu giá cả thị trường ổn định, trung bình bán 10.000 đồng/kg thì năm nay cho thu nhập khoảng 300 triệu đồng, cộng với tiền bán sản phẩm gà 2 lứa/năm sẽ cho tổng thu nhập khoảng 350 triệu đồng/năm.
Anh Cám chia sẻ thêm về bí quyết thành công trong nuôi gà thả vườn là ngoài việc dùng ngô, lúa cho gà ăn 2 lần vào buổi sáng và chiều tối, thời gian còn lại gà tự đi kiếm mồi trong vườn cây. Muốn gà không bị nhiễm bệnh về đường tiêu hóa do ngộ độc thức ăn thì tuyệt đối không được sử dụng thuốc diệt cỏ để phun trừ cỏ ở vườn cây, chỉ sử dụng máy phát cỏ cầm tay để loại trừ cỏ dại; khi phun thuốc phòng trừ sâu bệnh hại cam, cần nhốt gà trong thời gian 2 đến 3 ngày sau phun nhằm đảm bảo cho gà không bị ngộ độc thuốc trừ sâu. Sau khi đã có sản phẩm và thu nhập ổn định, anh xin phép chính quyền địa phương rồi vận động những hộ có diện tích đất trong khu vực núi đá tham gia góp tiền, công sức mở đường để thuận tiện cho đi lại và vận chuyển tiêu thụ sản phẩm. Từ mô hình trồng cây ăn quả, nuôi gà thả vườn của gia đình anh Cám, đến nay diện tích đất ven chân núi đá trong thôn đã phủ gần kín cây ăn quả, xuất hiện những khung nhà bằng thép, mái lợp tôn và công trình phụ trợ chăn nuôi thấp thoáng trong những vườn cam.
Ông Bùi Mạnh Hùng - Chủ tịch UBND xã Thái Sơn cho biết: Mô hình trang trại kết hợp trồng cây ăn quả gắn với chăn nuôi gà thả vườn của gia đình anh Nguyễn Văn Cám tuy thu nhập chưa cao nhưng là mô hình kinh tế điển hình mang tính bền vững trong thu nhập cũng như bảo vệ môi trường. Ngoài việc tập trung phát triển kinh tế từ trang trại tổng hợp của gia đình, anh Cám còn tích cực tham gia các hoạt động xã hội; sẵn sàng giúp đỡ, chia sẻ với những hộ hoàn cảnh khó khăn, trao đổi kinh nghiệm trồng, chăm sóc cây ăn quả và chăn nuôi với bà con lối xóm, được nhiều người trong thôn tin yêu, quý trọng. Trong Đại hội đại biểu hội nông dân xã Thái Sơn nhiệm kỳ 2018 - 2023, anh được bầu vào Ủy viên BCH Hội nông dân xã. Có thể nói, anh Cám là một trong những người mạnh dạn đầu tư thực hiện mô hình trang trại tổng hợp mang lại hiệu quả kinh tế trên địa bàn xã, góp phần xây dựng xã Thái Sơn ngày càng đổi mới./.