Chúng tôi đến thăm mô hình chăn nuôi và ấp nở vịt trời cuả chị Lê Thị Thảo tại thôn Chản, xã Vân Từ, huyện Phú Xuyên, TP. Hà Nội vào đúng dịp nắng nóng kéo dài cuối tháng 5/2018 nhưng sau khi được chị Thảo dẫn đi thăm một lượt toàn bộ trang trại chăn nuôi và ngồi nghe chị Thảo tâm sự về quá trình đi đến thành công trong chăn nuôi vịt trời của gia đình mình thì cái oi nóng của mùa hè dường như đã không còn nữa.
Chị Thảo đang chăm sóc đàn vịt trời thương phẩm
Biết đến con vịt trời từ năm 2008 thông qua một thành viên của Hội sinh vật cảnh, sau khi tìm hiểu và nhận thấy tiềm năng, triển vọng của con vịt trời, chị Thảo đã mạnh dạn mua 15 con vịt trời giống (2 con đực, 13 con cái) về nuôi. Sau nhiều năm gây đàn, đến năm 2013 hai vợ chồng chị quyết định thuê thầu đất để mở trang trại chăn nuôi, ấp nở vịt trời. Đến nay, sau 5 năm gia đình chị đã có tổng 3,3 mẫu đất làm trang trại chăn nuôi với trên 1000 con vịt trời sinh sản và thường xuyên có trên 1000 con vịt trời thương phẩm, một máy ấp nở trứng vịt công suất 12.000 quả.
Nói về con vịt trời chị Thảo cho biết, đây là một giống vịt rất khó úm vì sức đề kháng khi còn bé của vịt rất yếu, nếu không tuân thủ đúng quy trình úm tỷ lệ chết có thể lên tới 60%. Tuy nhiên sau 21 ngày tuổi thì con vịt lại rất khỏe, sức chống chịu bệnh tật tốt, khả năng thích nghi tương đối cao. Nếu là vịt thịt thương phẩm thì chỉ sau 75-80 ngày tuổi là có thể xuất bán được, trọng lượng bình quân khi xuất thịt đạt được từ 1 - 1,2kg/con. Còn với vịt sinh sản thì khoảng 5,5-6 tháng là vịt bắt đầu đẻ trứng, thời gian khai thác kéo dài từ 6 - 9 tháng, tỷ lệ đẻ của toàn đàn bình quân đạt khoảng 50-60%, vịt bố mẹ sau khi đẻ không bị hao xác do đó bán loại thải vẫn được giá cao.
Về phần ấp nở, chị Thảo cho biết, ấp trứng vịt trời khó hơn ấp trứng các loại vịt khác, vì vỏ trứng vịt trời dày hơn của các loại vịt khác nên vịt con dễ bị “chết tắc”, do đó yêu cầu làm mát trong quá trình ấp cũng phải tốt hơn (làm mát 2 lần); Vịt trời con được nở ra từ lò ấp của gia đình chị có chất lượng rất cao, do đàn vịt bố mẹ được chị chăm sóc tốt, tiêm phòng đầy đủ các loại vaccine, chị luôn lựa chọn trứng trước khi đưa vào ấp, và gia đình luôn tuân thủ tốt quy trình ấp nở an toàn sinh học.
Chị Thảo đang lựa chọn trứng vịt trời để đưa vào máy ấp
Khi được hỏi về đầu ra cho sản phẩm, chị Thảo vui vẻ cho biết, đầu ra cho sản phẩm của gia đình chị rất tốt. Vịt giống thì chị xuất đi các tỉnh trong cả nước, vịt nở ra đến đâu là xuất hết đến đó (mỗi tháng xuất bán khoảng 12.000 con). Vịt thịt chị cũng gửi đi các tỉnh theo từng đơn đặt trước, hoặc thương lái tự đến bắt, nhu cầu thị trường rất cao.
Về phần hiệu quả kinh tế, chị Thảo chia sẻ, mỗi một con vịt thịt chị có lợi nhuận ổn định 25.000 đồng/con, và 1.500 – 2.000 đồng/con vịt giống; Bình quân mỗi tháng chị thu được lợi nhuận từ 20 - 30 triệu đồng (vịt giống: 15 – 20 triệu đồng, vịt thịt: 5 – 10 triệu đồng). Như vậy bình quân mỗi năm gia đình chị thu được 250 – 300 triệu đồng từ chăn nuôi vịt trời (chưa kể đến thủy sản). Đây là một con số khá ấn tượng trong bối cảnh tình hình chăn nuôi như hiện nay.
Tuy nhiên chị Tảo cũng chia sẻ về vấn đề khó khăn hiện nay gia đình chị đang gặp trong chăn nuôi vịt trời, mặc dù chị đã được Ban Chăn nuôi Thú y xã, chính quyền địa quan tâm, giúp đỡ, tuy nhiên do đặc thù nên việc kiểm dịch động vật đối với con vịt giống của gia đình chị khi xuất bán ngoại tỉnh còn gặp nhiều khó khăn. Do đó chị rất mong các cấp chính quyền và cơ quan thú y tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện và sớm có giải pháp giúp cho gia đình chị trong công tác kiểm dịch động vật xuất bán. Chị rất mong các cấp, các ngành và đặc biệt là cơ quan Thú y của Hà Nội quan tâm, giúp đỡ để mô hình chăn nuôi, ấp nở vịt trời của chị ngày càng bền vững.