Theo chân ông Nguyễn Cảnh – Chủ tịch Hội Nông dân xã Hải Tân, chúng tôi men theo con đường bê tông rộng chừng 2m lọt thỏm giữa cánh đồng lúa xanh ngát để đến thăm mô hình trồng sen của ông Trần Đăng Phúc. Từ xa đã dễ dàng nhận thấy xen giữa những triền lúa xanh mát nổi lên một màu hồng rực của ruộng sen đang thời kỳ sung sức. Trao đổi với chúng tôi ông Phúc cho biết, trước khi khai phá, khu vực này vốn là đất của nhà nước chia cho dân để canh tác. Tuy nhiên, do tính chất đất ruộng ở đây có lớp bùn quá dày, trồng lúa không hiệu quả nên người dân bỏ hoang nhiều năm liền. Nhận thấy đất bùn ở đây phù hợp với mô hình trồng sen và nuôi cá nên cuối năm 2014, ông mạnh dạn xin phép chính quyền địa phương để sử dụng phần đất trên nhằm mục đích trồng sen kết hợp nuôi cá và lợn. Sau khi được địa phương tạo điều kiện, đầu năm 2015 ông đã đầu tư gần 100 triệu đồng thuê máy múc san lấp, be bờ giữ nước và mua giống sen cao sản từ Đà Nẵng ra trồng. Nhờ chăm sóc chu đáo nên sen phát triển tốt, hạt sen to, đẹp, năng suất cao và được thị trường ưa chuộng. Hạt sen bóc ra là có thương lái từ Huế đến tận nhà thu mua.
Ông Trần Đăng Phúc chăm sóc ruộng sen của gia đình
Vụ sen đầu tiên, mặc dù còn nhiều bỡ ngỡ nhưng ông vẫn thu được hơn 1 tấn hạt, sau khi trừ chi phí ông thu lãi gần 40 triệu đồng. Rút kinh nghiệm từ vụ đầu tiên, những năm tiếp theo bình quân mỗi năm ông thu về từ 1,2 - 1,4 tấn hạt sen. Riêng năm 2018 này, ruộng sen rất được mùa, bông trổ nhiều và chắc hạt. Cứ 3 ngày ông thu hoạch một lần, mỗi lần được hơn 40 kg hạt sen. “Mới bắt đầu thu hái được gần 10 ngày nhưng tôi đã thu được gần 3,5 tạ hạt sen. Theo tính toán thì với 0,5 ha sen sẽ cho thu hoạch hơn 1,5 tấn hạt. Với giá bán hiện nay từ 35.000 – 40.000 đồng/kg thì sau khi trừ chi phí sẽ mang lại lợi nhuận từ 40 – 50 triệu đồng, cao gấp 2 – 3 lần so với trồng lúa”, ông Phúc nhẩm tính.
Ông Phúc cho biết, từ bao đời nay nơi đây chỉ là ao hồ hoang hóa, lau lách sình lầy, là nơi trú ẩn của chuột. Chính quyền địa phương đã nhiều lần khuyến khích, hỗ trợ người dân cải tạo đất để làm nông nghiệp nhưng ai cũng lắc đầu ngao ngán, không dám làm. Khi được UBND xã tạo điều kiện cho thuê đất trong 20 năm để mở trang trại trồng sen, ông thuê nhân công, kêu gọi cả gia đình, người thân phụ thêm để phát quang lau lách. “Cả quá trình vừa cải tạo đất vừa trồng sen cũng phải mất gần 5 tháng chứ không phải ít” - ông Phúc nhớ lại.
Theo ông Phúc, sen là cây rất dễ trồng, không mất nhiều công và chi phí chăm sóc, tỷ lệ hao hụt lại thấp. Chỉ cần mực nước ruộng luôn để khoảng 20 - 30 cm, khi cây lớn sẽ dẫn thêm nước, thường xuyên cắt tỉa lá khô, lá già để sen quang hợp tốt hơn. Sen là loài mọc dưới nước, có sức chống chịu cao, ít sâu bệnh. Trồng sen lại không tốn nhiều chi phí phân, thuốc, làm cỏ như trồng các loại cây khác. Trước khi trồng sen cần phải tiến hành các bước xử lý ruộng như cày lật đất, phơi ải, bón phân chuồng sau đó mới xả nước vào ruộng. Khi trồng sen cần lưu ý mỗi cây phải cách nhau 1 – 1,5m để đảm bảo không gian sinh trưởng cho cây đẻ nhánh con. Nếu trồng với mật độ quá dày, hạt sen sẽ rất nhỏ. Sau Tết Nguyên đán là thời điểm thích hợp nhất để xuống giống. Khi lá sen phát triển gần kín mặt nước sẽ tiến hành bón phân vào những ngày mưa để tránh những hạt phân đọng trên lá sen sẽ làm lá bị úa. Một vụ thường phải bón 3 lần phân, liều lượng từ 7 – 8 kg phân NPK/sào, mỗi lần cách nhau 1 tháng. Khoảng 4 tháng sau, cây sen bắt đầu cho thu hoạch, đến tháng 6 sẽ vào mùa thu hoạch rộ và kéo dài đến hết tháng 9.
Theo kinh nghiệm của ông Phúc, để sen phát triển tốt, cho hạt to đều, trong quá trình trồng cần phải theo dõi đài hoa, xem hạt sen để bón thêm phân vì sen ra hoa nhiều lần trong 1 vụ. Cụ thể, khi sen bắt đầu rụng hoa, tượng khối đài thì bón thêm một ít phân NPK. Ngoài ra để đảm bảo chất lượng hạt sen cần phải thu hoạch đúng thời điểm. Dấu hiệu cho thu hoạch là khi đầu hạt sen dần chuyển sang màu vàng nhạt và hạt không còn khít trong các đài sen. Nếu không thu hoạch kịp thời, hạt sen sẽ nhanh chóng chuyển sang màu đen ảnh hưởng tới chất lượng và giá của sản phẩm.
Ông Nguyễn Cảnh – Chủ tịch Hội Nông dân xã đánh giá rất cao sự táo bạo của ông Phúc trong việc khai phá vùng đất bỏ hoang sang trồng sen. Theo ông Cảnh, với ưu thế về thời gian thu hoạch ngắn, sản phẩm dễ tiêu thụ thì đây là một trong những mô hình không chỉ thích hợp trong việc thoát nghèo mà còn góp phần tích cực chuyển dịch cơ cấu cây trồng tại địa phương. “Nhờ sự đi đầu của ông Phúc mà từ 0,5 ha trồng sen ban đầu, đến nay toàn xã đã có gần 10 ha trồng sen. Nhờ cây sen mà hiện nay hầu hết các diện tích ao, đầm trũng, úng của địa phương đã được khai thác để trồng sen, không còn bỏ hoang như trước, góp phần giải quyết việc làm, tạo nguồn thu ổn định cho nhiều hộ nông dân”.