Ông Nguyễn Văn Khôi ở thôn Kim Đôi, xã Ngọc Kỳ, huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương là một điển hình đã mạnh dạn ứng dụng công nghệ sinh học trong nuôi thả thủy sản ở ao nổi. Bắt đầu nuôi thả thủy sản cách đây gần 30 năm. Ban đầu cũng giống như nhiều hộ nuôi thủy sản khác, với 02 mẫu ao ông nuôi cá theo phương pháp truyền thống, sau đó chuyển sang nuôi chuyên canh con rô phi, tuy nhiên hiệu quả mang lại không cao do diện tích nhỏ, dịch bệnh nhiều, giá thành bấp bênh. Bởi vậy cách đây 8 năm, ông đã mạnh dạn đầu tư thêm diện tích kết hợp cải tạo khu đồng trũng để xây dựng trang trại nuôi thả thủy sản tập trung, với diện tích 25 mẫu và nuôi theo phương pháp ao nổi. Đối tượng nuôi trong các ao nổi chủ yếu là cá trắm, trôi, chép và cá rô các loại.
Ông Khôi đang giới thiệu về phương pháp nuôi thủy sản trong ao nổi ứng dụng công nghệ sinh học
Không chỉ dừng lại ở phương pháp nuôi thủy sản trong ao nổi, ông Khôi còn nghiên cứu ứng dụng công nghệ sinh học để xử lý môi trường trong quá trình nuôi thả thủy sản, nhằm hạn chế dịch bệnh và khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường nước ở ao nuôi nội đồng hiện nay. Để áp dụng công nghệ này ông đã phải đi học hỏi kinh nghiệm ở nhiều nơi trong nước cũng như một số nước trong khu vực như Thái Lan, Indonesia, Malaysia, ... Theo ông, để áp dụng phương pháp mới này và cho hiệu quả cao cần thiết phải đảm bảo các yếu tố: con giống khỏe, sạch bệnh; xử lý môi trường ô nhiễm bằng cách sử dụng chế phẩm để diệt mầm bệnh có trong ao nuôi một cách an toàn, không gây độc đối với đối tượng nuôi trồng, làm cho môi trường nước ổn định; dinh dưỡng hợp lý. Từ thực tế đó, ông lại bắt tay tìm tòi nguồn con giống tốt và sử dụng công nghệ nano bạc trong xử lý phòng và trị bệnh cho cá.
Do kết hợp giữa kinh nghiệm và khoa học kỹ thuật nên chất lượng cá giống của gia đình ông rất tốt. Cá bột, cá hương sau khi được nhập về đều được ông xử lý trong bể nano trong thời gian 21 ngày; sau đó đưa ra ngoài ao ương chăm sóc khoảng 30 ngày trước khi xuất bán. Tiếng lành đồn xa, hiện tại thị trường cung ứng cá giống của gia đình ông từ Thừa Thiên Huế ngược ra toàn miền Bắc. Đặc biệt con giống chép lai Việt - Thái đã trở thành thương hiệu của gia đình như khả năng kháng bệnh tốt, hình thái đẹp, nuôi sau 10 tháng trọng lượng đạt từ 3, 5 – 4 kg. Mỗi năm gia đình ông xuất bán 300 – 400 vạn chép lai, 100 vạn cá rô và trắm các loại, cùng với 100 nghìn tấn cá thương phẩm. Sau khi trừ chi phí, mỗi năm trang trại cho lãi trên 1 tỷ đồng.
Với hiệu quả từ phương pháp nuôi thủy sản trong ao nổi và ứng dụng công nghệ sinh học, hiện nay nhiều nông dân trên địa bàn tỉnh đã chuyển đổi đất ruộng trũng cấy lúa kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản theo phương pháp này.
Ông Phạm Văn Tình - Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh cho biết: Đến nay, toàn tỉnh đã có gần 200 ha ao nổi, trong đó có khoảng 20% diện tích ao nổi ứng dụng công nghệ sinh học trong xử lý nước và môi trường ao nuôi. Việc ứng dụng công nghệ sinh học trong nuôi thả thủy sản đã hạn chế tối đa dịch bệnh phát sinh, đặc biệt là vi sinh vật đơn bào gây bệnh (nấm, vi khuẩn, virus), đảm bảo cho thủy sản được phát triển trong một môi trường thuận lợi nhất, qua đó giảm chi phí quản lý dịch bệnh. Tuy vậy khi xử lý môi trường nước cần phải lựa chọn những dòng sản phẩm sạch, an toàn và quan trọng hơn là không gây ảnh hưởng tiêu cực tới thủy sản, từ đó tạo ra nguồn nước trong ao sạch hơn, cá ăn khỏe hơn nên có thể nuôi với mật độ dày hơn. Và để tiếp tục nhân rộng các mô hình nuôi thả thủy sản trên ao nổi ứng dụng công nghệ sinh học, thời gian tới Chi cục Thủy sản đẩy mạnh công tác tuyên truyền và chuyển giao công nghệ cho các hộ nuôi trên địa bàn tỉnh.