Đi dọc theo tuyến tỉnh lộ 908, đoạn UBND xã Tân Hưng, huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long, chúng tôi đến thăm mô hình trồng rau má xanh mướt của anh Dũng Em nằm trong khuôn viên bạt ngàn của cánh đồng khoai lang. Anh Dũng Em là người có ý nghĩ táo bạo, đắp bờ bao trồng rau má trên ruộng, một loại cây mà xung quanh đó chưa ai dám mạo hiểm trồng tại khu vực này.
Ruộng rau má của anh Dũng Em
Tiếp chuyện chúng tôi, anh Dũng Em chia sẻ, sau khi tốt nghiệp phổ thông trung học, tôi lên thành phố Hồ Chí Minh học Đại học sư phạm. Ra trường không tìm được công việc phù hợp nên anh làm thêm công việc bên ngoài để có thu nhập. Sau đó anh nhận thấy quê hương chính là nơi có thể phát triển sự nghiệp nên anh quay về. Ban đầu anh cũng chưa biết trồng gì trên mảnh ruộng của gia đình ngoài việc canh tác khoai lang cùng với những ruộng khác xung quanh. Tuy nhiên, trong một lần tình cờ sang nhà bạn ở Đồng Tháp chơi, anh được tặng khoảng 1 kg giống rau má vườn (loại rau má lá nhỏ). Nhận thấy rau má là loại rau gần gủi với bữa ăn hàng ngày của nhiều hộ gia đình, giá cả tương đối ổn định nên anh quyết định nhân giống để trồng trên mảnh đất của gia đình.
Đến tháng 7/2017, anh quyết định thuê máy cuốc đắp bờ bao để trồng rau má. Ngày mới lên bờ bao, người đi đường thấy thì cười, cho rằng anh đang làm chuyện điên rồ vì trong khu vực ai cũng trồng khoai lang và vùng này không trồng được rau má do nước thường xuyên ngập.
“Nhưng bây giờ thì người ta hết cười rồi, vì hiện tại gia đình tôi ngày nào cũng có thu nhập, còn xung quanh thì bà con chỉ chờ đến mùa thu hoạch khoai” – anh Dũng Em vui vẻ cho biết.
Anh Dũng Em cho biết thêm: “Với diện tích 2.000 m2 rau má vườn, mỗi ngày tôi cắt bình quân khoảng 40 kg, cắt xoay vòng nên ngày nào cũng có thu hoạch, giá bán từ 20.000 – 25.000 đồng/kg, mỗi ngày gia đình tôi có thu nhập khoảng 800.000 đồng. Sau khi trừ chi phí phân, thuốc và công lựa cho rau sạch trước khi bán thì lợi nhuận khoảng 13.000 đồng/kg. Cuộc sống gia đình hiện ổn định và không phải lo lắng về kinh tế như trước đây”.
Mô hình của anh Dũng Em hiện còn mới tại địa phương, nhưng anh rất tự tin về kỹ thuật trồng, chăm sóc và thu hoạch. Hiện tại, anh Dũng Em đang có ý định mở rộng thêm diện tích trồng của gia đình, hoặc hình thành tổ hợp tác sản xuất trong khu vực, nhưng việc anh lo lắng nhất là về đầu ra sản phẩm vì hiện tại lượng rau má hàng ngày chỉ cung cấp cho bạn hàng tại một số chợ nhỏ tại địa phương và bán lẻ cho người dân xung quanh. Anh Dũng Em hy vọng trong thời gian tới, mô hình này được sự quan tâm nhiều hơn của chính quyền địa phương, cũng như các công ty, doanh nghiệp, đầu mối thu mua để tìm đầu ra lớn hơn cho sản phẩm thì anh sẽ mạnh dạn mở rộng quy mô sản xuất, giúp người dân tại địa phương có thu nhập ổn định, vươn lên khá giàu.