TRANG CHỦ LIÊN HỆ SƠ ĐỒ WEB PHÔNG UNICODE TÌM KIẾM
Thứ Năm, 21/11/2024
Tin tức trong nước
Tin tức trong tỉnh
Tin thế giới
Tổng quan về xã
Hoạt động UBND
Sản phẩmGương làm kinh tế giỏi
Tài liệu KHCN
Phim KH&CN
Văn bản pháp quy
Dịch vụ
WEBSITE CÁC XÃ
Trao đổi trực tuyến
longttkhcn
quangnv2k
WEBSITE KHÁC
HÌNH ẢNH
 

Mùa thu hoạch lúa

Chăm sóc cây ăn quả

Mô hình nuôi nhím hiệu quả kinh tế cao

Lượt truy cập: 346713
  TÀI LIỆU KHCN

  Quảng Trị: “Cam ngọt” trên vùng đất gò đồi
21/09/2018

Chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của từng địa phương là việc làm rất quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế. Thời gian qua, trên vùng gò đồi K4, xã Hải Phú, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị nhiều mô hình cây trồng mới đã xuất hiện, trong đó cây cam là một trong những cây mang lại hiệu quả kinh tế đáng kể.

Đến thăm trang trại trồng cam của ông Trần Ngọc Nhơn tại khu K4 thuộc Hợp tác xã Long Hưng, xã Hải Phú, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị, chúng tôi dường như bị cuốn vào bạt ngàn những cây cam sai trĩu quả, mọng nước chuẩn bị cho thu hoạch được gia đình ông dày công chăm sóc.

Dẫn chúng tôi đi thăm vườn cam, ông Nhơn kể, ông là người tiên phong lên vùng đồi K4 lập nghiệp cách đây 20 năm về trước. Sau khi có chủ trương chuyển đổi đất rừng do hợp tác xã quản lý thành đất trang trại do hộ gia đình quản lý, ông Nhơn đã nhận gần 6 ha đất ở khu K4 này để thành lập trang trại.

Ông Nhơn (áo cam) dẫn đoàn tham quan thăm vườn cam của gia đình

 

Để có vườn cam như ngày hôm nay không dễ chút nào, từ việc khai phá, cải tạo đất đến việc đưa nguồn giống về trồng và chăm sóc. Thời gian đầu để phát triển được mô hình trồng cam ông Nhơn đã phải lặn lội ra những vùng cam nổi tiếng ở Nghệ An để học hỏi kinh nghiệm và mua giống. Hiện nay với trang trại gần 6 ha thì ông Nhơn có hơn 3 ha trồng cam chủ yếu là giống Vân Du và Xã Đoài. Nhờ những kinh nghiệm tích lũy được từ thực tế kết hợp với kỹ thuật ông học hỏi được qua các lớp tập huấn của kệ thống khuyến nông cũng như đi tham quan học hỏi các mô hình đã mang đến cho ông những thành công.

Chia sẻ về cách trồng cam cho năng suất cao, ông Nhơn cho biết cây cam là cây rất mẫn cảm với sâu bệnh, kỹ thuật chăm sóc đòi hỏi cao hơn những cây trồng khác nên không chỉ dựa vào kinh nghiệm đơn thuần mà cần phải áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất. Để sản xuất cam đạt hiệu quả, ông Nhơn đã áp dụng nghiêm ngặt quy trình chăm sóc từ việc làm đất, chế độ phân bón, đến việc phòng trừ sâu bệnh đều phải thực hiện đúng kỹ thuật. Theo ông Nhơn khi cây mới ra lộc non thì phải quản lý, tiêu diệt cho được con sâu vẽ bùa. Đến thời điểm ra quả thì phải phòng trừ bệnh ghẻ cam. Thời gian gần thu hoạch thì phải đi bắt bướm ngài chích trái, giai đoạn này phải làm thủ công vì gần thu hoạch nên không thể sử dụng thuốc hóa học.

Ông cũng cho biết để có một vườn cam đẹp vụ đầu phải tỉa cành, bón phân, phun thuốc đúng thời điểm, đúng tỷ lệ thuốc để khỏi ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm.

Ông Nhơn bật mí: “Muốn trồng cam đạt hiệu quả, lợi nhuận cao, trước hết không mua giống trôi nổi, cần phải lựa chọn cây giống tốt, sạch bệnh. Khi trồng cần thường xuyên kiểm tra bộ rễ của cây, theo dõi sự phát triển của màu lá, và chủ động phòng ngừa các loại sâu bệnh". Bên cạnh đó, phải thực hiện tốt khâu tưới nước, giữ độ ẩm trong đất hợp lý theo điều kiện thời tiết, tránh trường hợp để đất quá khô, khi đó cây cam sẽ rụng trái, còn nếu để rễ cây bị nước ngập thì sẽ dễ phát sinh mầm bệnh.

Được biết, trong 3 ha trồng cam thì có 1 ha đã cho thu hoạch 17 năm, 0,5 ha 5 năm tuổi, và 1,5 ha ông đang trồng năm thứ nhất. Trung bình với 1 ha cam của gia đình ông mỗi năm cho sản lượng 2 tấn. Với giá bán 20.000 đồng/kg, vụ cam năm 2018, ông ước tính sẽ đưa về nguồn thu hơn 200 triệu sau khi trừ chi phí.

Ông Nguyễn Nhạc Phó chủ tịch xã Hải Phú, huyện Hải Lăng cho biết: “Mô hình trồng cam của ông Nhơn là mô hình phát triển kinh tế hiệu quả của xã. Thấy mô hình trồng cam mang lại hiệu quả kinh tế, ông Nhơn còn vận động bà con ở địa phương chuyển đổi cây trồng và tận tình chia sẻ kinh nghiệm. Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục vận động hội viên nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, những diện tích đất đồi kém hiệu quả sang trồng cam và một số cây ăn trái khác để tăng thu nhập cho bà con”.

Có thể nhận thấy, mô hình trồng cam của ông Trần Ngọc Nhơn tại K4 xã Hải Phú huyện Hải Lăng là mô hình cây trồng có múi thành công. Việc phát triển vùng chuyên canh cam trên vùng đất K4 sẽ góp phần giúp người dân từng bước thay đổi tư duy từ sản xuất nhỏ lẻ sang sản xuất theo hướng hàng hóa; tạo ra các vùng sản xuất theo hướng tập trung, từng bước xây dựng sản phẩm của địa phương, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, góp sức vào công cuộc xóa đói giảm nghèo, làm giàu chính đáng.

Phan Việt Toàn-Trung tâm Khuyến nông Quảng Trị
|

  
Trang KHCN phục vụ nông thôn
LOGO
Bản quyền thuộc Uỷ Ban Nhân Dân xã Nghĩa Thành, huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu
Điện thoại: (84.064) 3 881 204 - Fax: (84.064) 3 881 204
Đơn vị thiết kế: Trung tâm Tin học và Thông tin KHCN Bà Rịa - Vũng Tàu