Phát triển trồng rừng và chăn nuôi bò sinh sản
Chúng tôi đến thăm khi ông Lung đang cần mẫn thái cỏ để cho bò ăn. Chỉ tay vào đàn bò, ông kể: “Sau khoảng gần 10 năm đi các nơi để lựa chọn con giống thì mới có được đàn bò này. Có được thành quả như ngày hôm nay, tôi từng trải qua không ít thất bại và coi đó như kinh nghiệm quý báu của mình”.
Tham quan mô hình kinh tế của gia đình ông, chúng tôi vừa ấn tượng bởi quy mô trang trại vừa cảm phục tinh thần lao động của ông. Ở tuổi gần 70, khi kinh tế gia đình được xem là khá giả, nhiều người đã yên tâm, vui thú cùng con cháu nhưng ông vẫn tất bật với những “việc không tên” của nhà nông mỗi ngày. Là người quê tỉnh Nam Định lên xã Tứ Quận lập nghiệp, ông xác định, muốn làm giàu từ nghề nông không chỉ cần cù, chịu khó mà phải luôn học hỏi, đổi mới tư duy, áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào quá trình sản xuất. Sau một thời gian nghiên cứu, tìm hiểu, năm 1998, ông mạnh dạn nhận 9 ha đất rừng để trồng cây luồng Thanh Hóa. Sau 5 năm trồng ông tiến hành thu hoạch, được ít vốn ông đầu tư vào nuôi lợn và chuyển đổi từ trồng luồng sang trồng 9 ha cây keo. Tuy nhiên sau thời gian nuôi lợn thấy không hiệu quả ông chuyển sang nuôi 4 cặp bò sinh sản.
Để chủ động nguồn thức ăn thô xanh cho đàn bò, ông trồng 3.600 m2 giống cỏ VA06. Ngoài ra, hàng năm ông còn tích trữ rơm khô để chủ động nguồn thức ăn cho trâu bò trong mùa đông. Không chỉ chú trọng về nguồn thức ăn, ông còn rất chú ý đến khâu vệ sinh chuồng trại, hằng tuần ông Lung phun thuốc sát trùng toàn bộ chuồng nuôi; định kỳ tiêm phòng các loại vắc xin như: Lở mồm long móng, tụ huyết trùng... Từ lợi nhuận thu về, gia đình tiếp tục tăng quy mô đàn. Đến nay, gia đình ông có 13 con bò (trong đó 12 con bò cái sinh sản và 01 con bò đực giống) mỗi năm bán từ 7 - 8 con bò con với giá từ 13 - 14 triệu đồng/con, thu nhập từ 90 đến 100 triệu đồng.
Thêm nguồn thu từ cây ăn quả và ao cá
Với phong cách giản dị, cởi mở ông Lung chia sẻ thêm về cơ duyên đến với cây ăn quả. Trước đây thu nhập của gia đình chủ yếu là trồng rừng và nuôi bò. Năm 2004, thấy đất đai màu mỡ, diện tích lớn nên vợ chồng ông háo hức tìm hiểu. Để tích lũy kinh nghiệm, ông đã khăn gói tìm đến các trang trại cây ăn quả trong và ngoài tỉnh để học hỏi kinh nghiệm. Sau những chuyến “tầm sư, học đạo”, vợ chồng ông dồn số tiền tích góp được trồng cây bưởi Diễn, bưởi đường Xuân Vân và cam Vinh...
Ông Lung bên vườn cam Vinh của gia đình
Theo ông Lung, cam và bưởi đều là những loại cây rất nhạy cảm với thời tiết và sâu bệnh, đòi hỏi người trồng phải cần cù, chịu khó và phải áp dụng đúng quy trình kỹ thuật. Để cam, bưởi ngọt, quả tròn, căng đẹp, bán được giá, ngoài việc tìm về những địa phương đang có thế mạnh về cây này để học hỏi kinh nghiệm, vợ chồng ông thường xuyên tìm hiểu qua sách, báo và tham gia các lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật do khuyến nông tổ chức để tích lũy thêm kinh nghiệm trồng, chăm sóc cây. Ngoài ra, để đảm bảo chất lượng và an toàn cho các loại quả trong vườn, gia đình ông Lung chỉ dùng thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc sinh học, bón phân hữu cơ do gia đình tự ủ. Cùng với trồng cây ăn quả, ông Lung đã cải tạo gần 01 ha diện tích mặt nước vừa để thả các giống cá truyền thống phục vụ sinh hoạt gia đình và bán cho các hộ có nhu cầu, vừa để có nguồn nước tưới cho cây ăn quả.
Sau hơn 10 năm lao động vất vả cùng sự nỗ lực, cố gắng không mệt mỏi, đến nay gia đình ông Lung đã có 01 ha cam Vinh và hơn 01 ha bưởi Diễn, bưởi đường Xuân Vân... Các loại cây ăn quả được thương lái đến thu mua tận vườn, thậm chí đặt mua cả vườn khi quả còn non nên đầu ra của gia đình ông luôn ổn định. Lợi nhuận từ việc trồng cây ăn quả và ao cá đạt trên 400 triệu đồng mỗi năm.
Không chỉ làm kinh tế giỏi mà ông còn nhiệt tình giúp đỡ các hộ trong vùng cùng vươn lên làm kinh tế như tư vấn cho họ trồng cây gì, nuôi con gì phù hợp hay xây dựng chuồng trại chăn nuôi gia súc để vừa có thu nhập vừa tận dụng được nguồn phân chuồng bón cho cây trồng./.