Tuy nhiên, hiện nay chăn nuôi dê chủ yếu là tự phát, chăn thả, ít được quan tâm đầu tư nên hiệu quả chưa thật sự cao. Vì vậy, phát triển chăn nuôi dê theo phương thức nhốt chuồng hoặc bán chăn thả được xem là lựa chọn phù hợp với thực tế sản xuất. Chính vì điều này, chị Trần Thị Toán, chi hội trưởng chi hội phụ nữ thôn Đăk Hoa, xã Tân Thành, huyện Krông Nô đã tận dụng bã nấu rượu để nuôi dê giúp tăng thu nhập, tạo nguồn thu ổn định cho gia đình cũng như giúp đỡ cho nhiều chị em phụ nữ trong chi hội cải thiện cuộc sống.
Năm 2016 xem tivi thấy mô hình chăn nuôi dê nhốt chuồng ít vốn đầu tư, đơn giản, không tốn công lao động nhưng đem lại hiệu quả kinh tế cao nên gia đình chị quyết định làm chuồng và chăn nuôi dê theo hình thức nuôi nhốt. Chị Toán chia sẻ, gia đình anh chị ngoài làm rẫy nương, có làm thêm nghề nấu rượu. Trước đây hàng ngày, gia đình chị nấu từ 1 đến 2 nồi, một nồi tầm 20 kg gạo, như vậy bã sau khi nấu chủ yếu bán cho người dân quanh vùng nhưng từ khi chị nuôi dê thì bã được tận dụng làm thức ăn cho dê. Khi bắt đầu chăn nuôi, gia đình chị đầu tư mua 6 con cái và 1 con đực, cả giống dê cỏ và dê Bách Thảo với giá 24,5 triệu đồng. Đến nay đàn dê của gia đình chị có hơn 30 con cả dê thịt và dê cái sinh sản.
Theo chị Toán, dê dễ nuôi, sinh sản rất nhanh, cứ 6 tháng sinh một lứa từ 1 đến 3 con, thường lứa đầu tiên chỉ 1 con, còn những lứa sau 2 -3 con, trung bình mỗi con có thể sinh từ 15 – 17 lứa và dê con nuôi 5 – 6 tháng xuất bán. Hiện nay, gia đình chị mỗi tháng bán trung bình 3 con dê thịt với giá 80.000 đồng/kg và sau khi trừ hết mọi chi phí thì lãi ròng hơn 5 triệu đồng. Ngoài ra, từ việc chăn nuôi dê, chị có nguồn phân bón hữu cơ để sản xuất cà phê giúp tiết kiệm chi phí đầu tư cũng như tăng hiệu kinh tế.
Chị Toán chia sẻ kinh nghiệm nuôi dê
Chị Toán chia sẻ thêm: “Nuôi dê lợi nhuận cao, nhà nào cũng có thể nuôi, tận dụng nguồn thức ăn có sẵn tại địa phương, không mất nhiều thời gian, ngày chỉ mất khoảng 30 phút hái lá và gia đình nấu rượu nên sử dụng thêm bã rượu trộn với cám bắp làm thức ăn cho dê”. Nhờ nguồn thức ăn tự nhiên sẵn có quanh năm như lá cây bơ, keo, mít, gòn… được hái ở rẫy nhà, chuồng trại được vệ sinh sạch sẽ, định kỳ tẩy giun sán nên đàn dê nhà chị không hề bị dịch bệnh.
Chia sẻ về kinh nghiệm nuôi, chị Toán cho biết, nuôi dê phải nhốt chuồng để quản lý tốt và hạn chế dịch bệnh. Trong quá trình nuôi phải tuân thủ việc áp dụng kỹ thuật từ khâu làm chuồng trại đến việc theo dõi, quản lý đàn dê. Do dê là loại động vật không ưa độ ẩm cao nên chuồng trại cho dê cần phải sạch sẽ, cao ráo và thông thoáng. Trước chuồng nuôi cần có sân rộng để thuận lợi cho việc dạo chơi, vận động cũng như để theo dõi, quản lý đàn dê, cho ăn và phòng ngừa dịch bệnh. Để có đàn dê khỏe mạnh, yếu tố đầu tiên là phải chọn con giống tốt, vệ sinh chuồng trại thường xuyên. Đặc biệt, thức ăn phải để khô ráo trước khi cho dê ăn để tránh bị bệnh chướng hơi. Ngoài ra, để cung cấp đủ dinh dưỡng cho đàn dê chị Toán không chỉ cho ăn bã rượu trộn cám bắp mà còn sử dụng đá liếm để bổ sung vitamin và khoáng cho dê hấp thụ chất dinh dưỡng tốt hơn, tăng sức đề kháng, ít bị bệnh.
Có thể thấy, so với mô hình nuôi dê theo kiểu thả rông như trước đây thì mô hình nuôi dê nhốt chuồng đã khắc phục một số hạn chế về dịch bệnh, việc chăm sóc, quản lý đàn dê tốt hơn, chất lượng đàn cũng cao hơn trước. Hiệu quả kinh tế cao, nguồn vốn đầu tư ít lại tận dụng được công lao động nên rất phù hợp với nông dân, nhất là những hộ nghèo ở nông thôn. Hiện, mô hình nuôi dê nhốt chuồng được nhiều nông dân nhân rộng, đây là mô hình hiệu quả góp phần đáng kể vào công tác xóa đói giảm nghèo của địa phương.