TRANG CHỦ LIÊN HỆ SƠ ĐỒ WEB PHÔNG UNICODE TÌM KIẾM
Chủ Nhật, 5/5/2024
Tin tức trong nước
Tin tức trong tỉnh
Tin thế giới
Tổng quan về xã
Hoạt động UBND
Sản phẩmGương làm kinh tế giỏi
Tài liệu KHCN
Phim KH&CN
Văn bản pháp quy
Dịch vụ
WEBSITE CÁC XÃ
Trao đổi trực tuyến
longttkhcn
quangnv2k
WEBSITE KHÁC
HÌNH ẢNH
 

Mùa thu hoạch lúa

Chăm sóc cây ăn quả

Mô hình nuôi nhím hiệu quả kinh tế cao

Lượt truy cập: 316864
  TÀI LIỆU KHCN

  Trung tâm văn hóa – học tập cộng đồng tỉnh BRVT: Đổi mới để hoạt động hiệu quả
11/06/2012

Khu vui chơi thiếu nhi ngoài trời tại TTVH-HTCĐ xã Tam Phước, huyện Long Điền

Bà Rịa – Vũng Tàu là địa phương đầu tiên xây dựng mô hình trung tâm văn hóa – học tập cộng đồng (TTVH-HTCĐ). Tuy nhiên, sau 10 năm đi vào hoạt động, mô hình này vẫn chưa phát huy hết vai trò.

NHIỀU TRUNG TÂM HOẠT ĐỘNG “CHIẾU LỆ”

Ít hoạt động, vắng người đến chơi; cỏ dại mọc đầy; thiết bị, dụng cụ vui chơi dành cho thiếu nhi bị xuống cấp… Đó là thực tế của không ít TTVH-HTCĐ xã, phường trên địa bàn tỉnh hiện nay. Ngoài ra, một thực trạng khác là cán bộ chuyên trách của các TTVH-HTCĐ chưa sáng tạo những hình thức sinh hoạt mới, hấp dẫn. Nhiều trung tâm hoạt động theo kiểu “chiếu lệ” nên quanh đi quẩn lại cũng chỉ là những trò chơi cũ, nhàm chán như: đọc sách, đá bóng, chiếu phim, hát karaoke… nên trẻ em đến chơi một thời gian rồi chán ngán và không đến nữa.

Theo kết quả đợt khảo sát mới đây nhất của ngành VHTTDL thì hầu hết các thiết bị ngoài trời tại các TTVH-HTCĐ xã, phường, thị trấn đều đã hư hỏng, xuống cấp. Một số đơn vị có quan tâm chỉnh trang, sơn sửa để phục vụ nhu cầu của thiếu nhi trong dịp lễ, tết thì còn tạm dùng được nhưng cũng đã trở nên lạc hậu; 60% thư viện thuộc các TTVH-HTCĐ diện tích phòng đọc, kho sách nơi làm việc còn chật hẹp; nguồn sách ít... Ông Phạm Văn Long, Phó Chủ tịch UBND huyện Châu Đức cho rằng, nội dung hoạt động của các TTVH – HTCĐ còn đơn điệu, chưa hấp dẫn nên dù là ở những nơi thiếu món ăn tinh thần nhưng người dân địa phương vẫn không đến trung tâm. Theo quy chế, mỗi trung tâm chỉ có 5-7 nhân sự, nhưng họ phải đảm đương rất nhiều đầu việc, trong khi đó tiền lương không tương xứng với trình độ đào tạo, yêu cầu công tác nên họ chưa phát huy hết khả năng, tâm huyết và sự nhiệt tình trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ.

Ông Trịnh Đình Thân, Phó Giám đốc Sở VHTTDL cho biết, mô hình TTVH-HTCĐ trước đây chỉ làm hai nhiệm vụ chính là hoạt động văn hóa và học tập cộng đồng nhưng từ năm 2008 các TTVH-HTCĐ phải chịu trách nhiệm tổ chức 8 loại hình hoạt động chính: Thông tin cổ động, văn hóa văn nghệ, CLB – đội – nhóm, các lớp năng khiếu, giáo dục truyền thống, phòng đọc, thể dục thể thao và học tập cộng đồng. Tuy nhiên, thời gian qua, việc triển khai những hoạt động này ở các TTVH-HTCĐ gặp nhiều khó khăn do cơ sở vật chất còn thiếu thốn, hư hỏng… Bên cạnh đó, mỗi TTVH-HTCĐ theo thiết chế có 3 cán bộ chuyên trách, 1 bảo vệ và 1 chủ nhiệm. Thế nhưng hiện nay, ban chủ nhiệm các TTVH-HTCĐ đều là thành viên kiêm nhiệm. Thậm chí một số nơi cán bộ chuyên trách trung tâm văn hoá còn kiêm những công việc khác trong xã. Mảng học tập cộng đồng còn rất mờ nhạt vì không có kinh phí hoạt động. Mặt khác, cán bộ hoạt động mảng học tập cộng đồng lại là giáo viên của trường phổ thông, là cán bộ của một đơn vị khác… nên họ cũng không tâm huyết để chăm lo cho các hoạt động của trung tâm.

CẦN NHỮNG GIẢI PHÁP KỊP THỜI

Theo quyết định của UBND tỉnh, năm 2002, Sở Giáo dục – Đào tạo; Sở Văn hóa - Thông tin (nay là Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch) và Hội Khuyến học tỉnh phối hợp xây dựng mô hình TTVH-HTCĐ xã, phường, thị trấn trên cơ sở các trung tâm văn hóa – thông tin – thể thao đã có sẵn. Bên cạnh các chức năng là nơi sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, tổ chức các hoạt động thể thao thì TTVH-HTCĐ còn có các chức năng như: mở các lớp học văn hoá, tin học, ngoại ngữ, học nghề; các lớp chuyên đề… Đây là một chủ trương đúng và một việc làm cần thiết nhằm đáp ứng nhu cầu văn hóa của người dân, nhất là nhân dân ở vùng sâu, vùng xa. Tuy nhiên, sau 10 năm thực hiện, mô hình TTVH-HTCĐ đã bộc lộ nhiều yếu kém, khuyết điểm. Ông Lê Thanh Dũng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, cho rằng, không thể phủ nhận những kết quả đáng khích lệ mà mô hình TTVH-HTCĐ đã mang lại; tuy nhiên, các sở, ban, ngành và địa phương cần sớm hoàn chỉnh đề án phát triển TTVH-HTCĐ nhằm tháo gỡ những khó khăn, tồn tại, đồng thời có phương án để TTVH-HTCĐ hoạt động hiệu quả hơn.

Theo kết quả khảo sát mới đây của ngành VHTTDL thì không có trung tâm nào được xếp loại tốt, 34 trung tâm xếp loại khá, 45 trung tâm xếp loại trung bình và 3 trung tâm xếp loại yếu. Trước thực trạng trên, ngành VHTTDL đề xuất: Thực hiện thí điểm chuyển đổi một số TTVH-HTCĐ có điều kiện phát triển thành đơn vị sự nghiệp có thu; phân bổ kinh phí sửa chữa, nâng cấp phương tiện, trang thiết bị định kỳ cho cấp huyện; hạn chế tối đa việc điều chuyển cán bộ trung tâm có trình độ, năng lực và kinh nghiệm sang nhận nhiệm vụ khác khi chưa có người đủ năng lực thay thế. Bà Nguyễn Thị Bạch Ngân, Phó Chủ tịch UBND TP. Vũng Tàu cho biết, TP. Vũng Tàu có 17 xã, phường nhưng chỉ mới 8 đơn vị có trụ sở hoạt động cho TTVH-HTCĐ. Từ đây, các ngành và địa phương đặt ra những vấn đề là, có nhất định tất cả xã, phường, thị trấn phải có TTVH-HTCĐ? Ở những địa phương mà nguồn đất hạn hẹp như TP. Vũng Tàu thì yêu cầu mỗi trung tâm phải có sân bóng đá, hồ bơi, khu vui chơi... quả là khó khăn. Nên chăng xây dựng trung tâm liên phường, liên xã? Rút kinh nghiệm từ các trung tâm đã xây dựng, những trung tâm xây sắp xây dựng phải tính toán lại không gian, diện tích, trang thiết bị sao cho phù hợp với từng địa phương? Bên cạnh đó, nguồn kinh phí bổ sung thế nào và chi phí ra sao cũng phải tính toán lại.
                                                                                                                   Bài, ảnh: QUANG VŨ

Các em thiếu nhi đọc sách tại TTVH-HTCĐ thị trấn Phước Hải, huyện Đất Đỏ.

Hiện nay 82/82 đơn vị xã, phường có quyết định thành lập TTVH-HTCĐ, trong đó có 69 đơn vị có trụ sở hoạt động. Theo thống kê của Sở VHTTDL, ngoài 100 triệu đồng/năm cho mỗi TTVH-HTCĐ thì có 24 đơn vị được cấp mức bổ sung 25 triệu đồng/năm, 14 đơn vị cấp mức bổ sung 20 triệu đồng/năm và 44 đơn vị cấp mức bổ sung 15 triệu đồng/năm.

ÔNG PHẠM QUANG KHẢI, PHÓ BÍ THƯ THƯỜNG TRỰC TỈNH ỦY: CẦN QUAN TÂM ĐẾN NHU CẦU THỰC TẾ CỦA NGƯỜI DÂN ĐỊA PHƯƠNG

Phải khẳng định rằng, TTVH-HTCĐ xã, phường ra đời xuất phát từ nhu cầu có thật của nhân dân, nhất là người dân vùng sâu, vùng xa. Điều này thể hiện tình cảm và trách nhiệm của các cấp lãnh đạo đối với đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân. Tuy nhiên, hiện nay, nhiều TTVH-HTCĐ chỉ tổ chức hoạt động theo kiểu “chiếu lệ” chứ chưa quan tâm đến nhu cầu thực tế của người dân địa phương. Thiết nghĩ, để hoạt động hiểu quả, các TTVH-HTCĐ phải đổi mới và sáng tạo. Trách nhiệm này không chỉ thuộc 2 ngành VHTTDL và Giáo dục – Đào tạo mà các địa phương cũng phải có ý thức trong việc xây dựng TTVH-HTCĐ hoạt động sao cho hiệu quả. Bên cạnh đó, UBND tỉnh cũng cần phải có chương trình kiểm tra hoạt động của các trung tâm hàng tháng, hàng quý…

http://www.baobariavungtau.com.vn
|

  
Trang KHCN phục vụ nông thôn
LOGO
Bản quyền thuộc Uỷ Ban Nhân Dân xã Nghĩa Thành, huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu
Điện thoại: (84.064) 3 881 204 - Fax: (84.064) 3 881 204
Đơn vị thiết kế: Trung tâm Tin học và Thông tin KHCN Bà Rịa - Vũng Tàu