Bên cạnh các mô hình chăn nuôi truyền thống như chăn nuôi bò, dê, heo, gà thả vườn, cá nước ngọt… hiện nay, một số nông dân huyện Châu Đức mỗi tháng thu lợi nhuận hàng chục triệu đồng từ các mô hình chăn nuôi mới như: lươn, chim bồ câu, chim trĩ…Sau thời gian tham gia lớp tập huấn nuôi lươn do Đại học Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh tổ chức và học hỏi kinh nghiệm tại các tỉnh miền Tây, anh Phạm Văn Thức, chủ cơ sở nuôi lươn Nghĩa Bình (ấp Liên Lộc, xã Xà Bang, huyện Châu Đức) mạnh dạn đầu tư hàng trăm triệu đồng để xây dựng 12 hồ nuôi lươn thịt, lươn giống với diện tích khoảng 200m2. Vừa qua, anh đã xuất hơn 6 tạ lươn thịt, với giá 130.000 đồng/kg và gần 4 tạ lươn giống, với giá 320.000 đồng/kg. Trừ các khoản chi phí con giống, thức ăn, điện, nước và nhân công… anh Thức thu lãi hơn 100 triệu đồng. Anh Thức cho biết, đối với lươn thịt thì nuôi khoảng 4 tháng là xuất được, còn lươn giống thì thuần nuôi khoảng 2 tháng là bán; con giống thì anh gom mua từ các tỉnh miền Tây do người dân đánh bắt thiên nhiên, với giá khoảng 130.000 đồng/kg. Ngoài ra, với diện tích 300m2, anh Thức đang nuôi gần 22 tấn trùn quế, đây là một loại thực phẩm giàu chất dinh dưỡng, không những dùng để làm thức ăn cho lươn mà còn đủ cung cấp bán cho các hồ nuôi tôm, trại nuôi gà... Anh Thức tính toán, với cách làm “mua tận gốc, bán tận ngọn”, trung bình mỗi tháng gia đình anh thu lãi hơn 40 triệu đồng từ tiền bán lươn thịt, lươn giống và trùn quế. Ở thị trấn Ngãi Giao, đoạn giáp xã Bình Ba, từ quốc lộ 56 rẽ vào con đường đất đỏ khoảng 500m, trại nuôi bồ câu Thuận Phát chỉ chiếm một diện tích nhỏ dưới tán vườn cao su. Anh Phạm Văn Vui, chủ cơ sở cho biết, trại của anh hiện nuôi hơn 500 cặp bồ câu Pháp sinh sản, bình quân mỗi tháng, trừ đi chi phí thức ăn, công chăm sóc, anh dư hơn 15 triệu đồng từ bán bồ câu giống và bồ câu thịt. Anh Vui kể thêm, qua tìm hiểu thị trường nhận thấy bồ câu là loại thực phẩm ngon, bổ dưỡng, an toàn, thị trường hấp dẫn mà chưa có cá nhân hay tổ chức nào đầu tư nuôi quy mô lớn, đầu năm 2012, anh mạnh dạn vay vốn, đầu tư 70 triệu đồng để xây dựng chuồng trại và mua con giống. Đến nay, anh đã hoàn lại vốn đầu tư và bắt đầu thu lợi nhuận. Tới đây, anh sẽ đầu tư thêm lồng, nhân rộng mô hình lên 1.000 cặp bồ câu sinh sản để cung cấp cho các nhà hàng trên địa bàn tỉnh. Chọn đúng hướng đi, dám nghĩ, dám làm, nhạy bén với thị trường, lại cần mẫn trong lao động đã giúp gia đình anh Vui “sống khỏe” với trại bồ câu của mình. Ngoài 2 mô hình chăn nuôi mới trên, hiện nhiều nông dân Châu Đức đã tìm tòi áp dụng một số mô hình khác như nuôi chim trĩ, cá sấu, ếch… Những sản phẩm của các mô hình chăn nuôi mới này phù hợp với thị trường tiêu thụ, đem lại lợi nhuận nhanh, làm giàu chính đáng cho nhiều gia đình nông dân. Ông Nguyễn Ngọc Linh, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Châu Đức cho biết: “Tìm ra các phương thức, sản phẩm chăn nuôi mới có hiệu quả kinh tế cao là hướng đi mà Hội Nông dân luôn khuyến khích các hộ nông dân. Sau khi đánh giá hiệu quả các mô hình chăn nuôi mới, Hội Nông dân huyện sẽ phối hợp tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật, nhân rộng các mô hình chăn nuôi mới, tạo điều kiện để nông dân được vay vốn từ quỹ hỗ trợ Nông dân của tỉnh để phát triển sản xuất… Tuy nhiên, Hội Nông dân huyện cũng khuyến cáo bà con nông dân cần cân nhắc, không nên tự phát nuôi tràn lan do đầu ra chưa ổn định sẽ gây thiệt hại cho bà con”.