Biến rác thành những thứ có ích
Từ thực tế cuộc sống và say mê nghiên cứu, những “nhà khoa học nhí” đã biến những đồ vật đã trở thành rác vứt đi như vỏ lon, giấy vụn, vải thừa, xốp… thành những sản phẩm có ích. Trong một lần đi tắm biển vào cuối năm, hai cậu bé Nguyễn Thành Trung và Bùi Minh Hiếu, học sinh lớp 7/5, trường THCS Phước Thạnh (thị trấn Đất Đỏ, huyện Đất Đỏ), rất thích thú khi được bơi trên biển cùng con thuyền của một ngư dân. Muốn tạo một con thuyền riêng cho mình, bằng chai trà xanh 0 độ nhặt từ bãi biển do du khách bỏ lại, Thành Trung và Minh Hiếu đã tạo ra mô hình “Con thuyền ước mơ”. Tác phẩm này đã đoạt giải ba cuộc thi Sáng tạo Thanh thiếu niên nhi đồng lần II. Thành Trung cho biết, mô hình này khi đưa vào ứng dụng thực tế giúp những người tập chèo thuyền đạt hiệu quả tốt nhất có thể thực hiện nhiều động tác chèo thuyền một cách dễ dàng, mà giá thành thực hiện con thuyền chỉ dưới 1 triệu đồng. Trung chia sẻ, con thuyền này vẫn nằm trên mô hình, do vậy, cần tìm một loại keo thấm nước tốt hơn để con thuyền mang tính ứng dụng cao hơn, khi thả xuống nước sẽ nổi và giá thành thấp hơn, phù hợp với túi tiền của người sử dụng.
Đối với nhóm Nguyễn Thức và Bùi Ngọc Sơn, lớp 9 trường THCS Nguyễn Văn Linh, thì việc bao ni lông chất đống ở căn tin sau mỗi giờ ra chơi khiến các em suy nghĩ làm sao để tạo những túi đựng đồ bằng chất liệu mới dễ dàng xử lý. Vì vậy, ý tưởng “Túi thân thiện với môi trường” đã ra đời. Mặc dù lịch học khá dày do ôn thi cuối cấp, nhưng với niềm say mê sáng tạo, các em vẫn dành nhiều thời gian cho việc nghiên cứu. Sau 3 tuần miệt mài, Thức và Sơn đã cho ra đời chiếc túi thân thiện, đa năng, dễ phân hủy và xử lý chỉ bằng những vật liệu rẻ tiền: 2m vải, 150ml xăng, xốp và một số chất hóa học, với giá thành khá “mềm” 5.000 đồng/túi. “Trong quá trình nghiên cứu thực hiện, một số kiến thức còn hạn chế nên nhiều chỗ “bí” chúng em còn nhờ sự trợ giúp từ cô giáo phụ trách bộ môn” - Sơn tâm sự.
Nhóm bạn Lê Đức Anh Tuấn, lớp 9/5, THSC Nguyễn Văn Linh (bên trái ngoài cùng) đang thực nghiệm
đề tài khoa học “Cách luộc trứng gà lòng đỏ chín dẻo, lòng trắng chưa đông”.
“Thích ăn trứng luộc Bình Châu” và “mê làm phi công”
Có nhiều sở thích khá đặc biệt cũng có thể khiến các “nhà sáng chế” nhí biến trở thành mô hình sáng tạo và đề tài mang tính ứng dụng cao. Đề tài “Cách luộc trứng gà lòng đỏ chín dẻo, lòng trắng chưa đông” xuất phát từ sở thích của những lần đi ăn trứng luộc tại suối nước nóng Bình Châu của cậu bé Lê Đức Anh Tuấn, lớp 9/5 trường THCS Nguyễn Văn Linh. Anh Tuấn chia sẻ: “Không phải ai cũng có điều kiện để đến suối nước nóng Bình Châu để ăn món trứng luộc khá đặc biệt ở đó, vì vậy em và một số bạn đã nghĩ ra đề tài này để mọi người ở nhà mà vẫn có thể thưởng thức được hương vị thơm ngon của nó”. Với sự say mê tìm tòi, đề tài của Tuấn Anh đã thành công sau 12-15 lần thất bại và nhiều lần lên suối nước nóng Bình Châu để thực nghiệm. Chỉ bằng dụng cụ dễ tìm là một nhiệt kế, nồi cơm điện và trứng thực hiện quy trình khép kín duy trì chế độ pha nước và nhiệt độ ở mức 77 độ C.
Mô hình “Máy bay đồ chơi” do Lê Hoàng Thái, lớp 4A trường Tiểu học Trần Quốc Toản (huyện Long Điền) được giải khuyến khích cuộc thi Sáng tạo Thanh thiếu niên nhi đồng lần II lại xuất phát từ niềm đam mê thành phi công. Từ nhỏ, Thái đã say mê với nhiều mô hình máy bay khác nhau nên ba mẹ ủng hộ hết mình niềm đam mê của con trai. Sau 4 tháng thực hiện, bằng những vật liệu dễ tìm kiếm như vỏ lon nước ngọt, hộp cá, tấm bìa thùng và ống nước, em đã tạo được một mô hình máy bay hoàn chỉnh. Hoàng Thái chia sẻ: “Cuộc thi rất bổ ích vì giúp chúng em có nơi để sáng tạo những thứ mà mình yêu thích”.