Việc đốt, xả thải phế phụ phẩm nông nghiệp trong tập quán canh tác của người dân không những gây lãng phí mà hơn hết còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường. Xuất phát từ vấn đề đó, dự án “Xây dựng mô hình sản xuất nấm ăn và phân mùn hữu cơ từ phế phụ phẩm nông nghiệp góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường tại xã An Hòa, huyện An Dương” giúp các hộ nông dân làm quen với việc tận dụng các nguồn phế phụ phẩm nông nghiệp để sản xuất phân mùn và trồng nấm sò vừa nâng cao hiệu quả kinh tế, vừa thiết thực bảo vệ môi trường. Dự án do Ủy ban nhân dân xã An Hòa chủ trì, thuộc Chương trình Khoa học và Công nghệ phục vụ xây dựng nông thôn mới.
Mô hình sản xuất phân mùn hữu cơ ứng dụng chế phẩm Fito- Biomix RR
Cùng với đơn vị chuyển giao là Liên Hiệp Khoa học sản xuất sản phẩm kỹ thuật cao, đơn vị chủ trì đã tiến hành xây dựng mô hình sản xuất nấm sò với quy mô 10 tấn nguyên liệu/diện tích 200m2 tại 2 hộ dân chia làm 2 đợt; mô hình sản xuất phân mùn hữu cơ ứng dụng chế phẩm Fito- Biomix RR gồm 65 tấn nguyên liệu rơm rạ, 35 tấn nguyên liệu rau màu sau thu hoạch với 24kg chế phẩm chia làm 3 đợt. Kết quả thực hiện mô hình cho thấy: thu được 5844kg nấm sò từ 10 tấn nguyên liệu; sản xuất được 42 tấn phân mùn hữu cơ từ rơm rạ và 21 tấn phân mùn hữu cơ từ rau màu vụ đông.
Theo đánh giá, mô hình được triển khai sẽ tạo hiệu ứng tích cực về kinh tế xã hội, và đặc biệt là về môi trường, như: Sử dụng hiệu quả tài nguyên thực vật, cung cấp cho thị trường một lượng lớn nông sản thực phẩm sạch đảm bảo chất lượng; Tận dụng các nguồn nguyên liệu sẵn có và giảm thiểu việc đốt, xả thải phế phụ phẩm nông nghiệp nên không gây ô nhiễm môi trường; Tạo việc làm cho người lao động…
Hội đồng cũng đánh giá cao hiệu quả thực tiễn mà mô hình mang lại, đặc biệt nhấn mạnh tác động giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Về lâu dài, dự án sẽ được triển khai nhân rộng để góp phần phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng tích cực, bền vững.