TRANG CHỦ LIÊN HỆ SƠ ĐỒ WEB PHÔNG UNICODE TÌM KIẾM
Thứ Sáu, 22/11/2024
Tổng quan về xã
Tin hoạt động-KHCN
Sản phẩmHoạt động UBND xã
Dịch vụ
Gương làm kinh tế giỏi
Tài liệu KHCN
Phim KH&CN
Văn bản pháp quy

WEBSITE CÁC XÃ
Trao đổi trực tuyến
vananhvt88
longttkhcn
WEBSITE KHÁC
THƯ VIỆN HÌNH ẢNH
DỰ BÁO THỜI TIẾT

Lượt truy cập: 120046

  TIN HOẠT ĐỘNG-KHCN

  Hiện trạng xói, bồi bờ biển khu vực cửa Lộc An, huyện Đất Đỏ
05/06/2014

Cửa Lộc An nằm ở một vị trí rất quan trọng trong việc phát triển kinh tế xã hội của huyện Đất đỏ, trong đó kinh tế thủy hải sản và du lịch là 2 ngành mũi nhọn có tiềm năng rất lớn.

Tuy nhiên, vùng bờ biển – cửa sông Lộc An luôn chịu tác động mạnh của các yếu tố động lực mà chủ yếu là dòng chảy từ sông Ray đổ ra, sóng biển, dòng chảy ven bờ và triều cường, vừa bị bồi lấp mạnh vùng cửa sông ngay tại luồng ghe tàu vào sông, vừa bị xói lở nghiêm trọng vùng phía Nam cửa Lộc An nên bờ biển luôn bị biến động mạnh, diễn biến hình thái bờ rất phức tạp. Lộc An được đánh giá là khu vực vừa bị xói lở vừa bị bồi lấp nghiêm trọng nhất dọc theo bờ biển tình Bà Rịa – Vũng Tàu. Tại cửa sông Ray đổ ra biển, bờ phía Nam cửa sông thuộc phần nằm trong đất liền (Tính từ thượng nguồn xuống) đang bị xói lở rất mạnh, còn bờ phía bên trái (Phần nằm ngoài biển) lại đang bị bồi rất mạnh và hiện một doi cát dài hàng nghìn mét đang dần dần tiến xuống phía Nam. Hiện tượng vừa xói lở vừa bồi lấp đang gây mất ổn định cho cả khu vực.

Kết quả phân tích của nhiều tài liệu thu thập cho thấy, vị trí cửa thường xuyên bị dịch chuyển theo các mùa gió Đông Bắc và Tây Nam do tác động lũ lụt từ các sông Ray, sông Bà Đập đổ ra vào mùa lũ, tác động của bão, nước dâng và triều cường. Đặc biệt trong các tháng mùa gió Chướng thì mức độ biến động bờ biển, bờ sông là rất mạnh.

Trước năm 2005 sự biến động mạnh của bờ biển đoạn cửa Lộc An đã gây nên nhiều thiệt hại về tính mạng và tài sản của nhân dân trong vùng. Cồn cát phía Nam Lộc An đã bị phá hủy hầu như hoàn toàn trong khoảng thời gian từ năm 1999 đến năm 2002. Đầm nước mặn phía bên trong cồn cát bị thay đổi lớn do dòng chảy vận chuyển cát biển vào các cửa mới mở cũng như hiện tượng cát bay do gió vào bên trong sau khi các dãy cồn cát bên ngoài bị sóng phá huỷ. Theo tài liệu nghiên cứu trước đây cho thấy vào mùa mưa lũ, trong kỳ triều cường, lưu lượng nước các sông Ray và Bà Đập gần bằng 80% lưu lượng triều lên và bằng 60% lưu lượng triều xuống, tuy nhiên trong kỳ triều kém, lưu lượng nước sông gần như chi phối hoàn toàn nên ở tầng mặt dòng nước sông chảy theo một chiều ra biển, còn ở tầng đáy dòng triều lên rất yếu. Trận bão năm 1952 và trận bão số 5 năm 1997 xảy ra vào những thời điểm lũ lớn và nước biển dâng nên đã gây ra những thiệt hại rất lớn về người và của cải vật chất cho nhân dân vùng cửa Lộc An.

Tại vùng cửa sông Ray, bờ phía Nam luôn bị xói lở mạnh vào thời kỳ gió mùa Đông Bắc và được bồi lấp lại vào thời kỳ gió mùa Tây Nam. Vào mùa gió Đông Bắc doi cát phía Đông Bắc cửa Lộc An tiến dần về phía Tây Nam làm cho cửa Lộc An cũng dịch chuyển về phía Tây Nam với tốc độ dịch chuyển trung bình khoảng từ 200m ¸ 300m/năm. Vào mùa gió Tây Nam, doi cát phía Tây Nam cửa Lộc An được bồi lấp theo hướng ngược lại và tiến dần về phía Đông Bắc làm cho cửa Lộc An được dịch chuyển về phía Đông Bắc với tốc độ khoảng 100m ¸ 200m/năm. Tổng hợp lại trong vòng một năm cửa Lộc An dịch chuyển về phía Tây Nam nhiều hơn về phía Đông Bắc với tốc độ trung bình khoảng 100m ÷ 150m/năm. Theo một số tài liệu lịch sử để lại, vào khoảng trước năm 1950 cửa Lộc An gần trùng với vị trí cửa hiện nay, nhưng sau đó đến năm 1952 doi cát phía ngoài biển dần dần tiến về phía Tây Nam và làm lấp cửa, năm đó xảy ra một trận lũ lịch sử rất lớn và dòng chảy từ sông Ray đổ ra rất mạnh đã phá cồn cát ở phía Tây Bắc và mở một cửa mới tại vị trí ngay cầu sông Ray hiện tại đổ ra biển, với khoảng cách từ cửa mới mở (của năm 1952) đến vị trí cửa hiện nay là khoảng 3,6km. Từ đó đến nay hàng năm dòng chảy ven bờ và sóng biển mang bùn cát làm cửa dần dịch chuyển về phía Tây Nam (mùa gió Đông Bắc) và dịch chuyển về phía Đông Bắc (mùa gió Tây Nam) như đã trình bày ở trên làm cửa Lộc An dịch chuyển đến vị trí cửa hiện nay. Do cửa bị dịch chuyển thường xuyên vào các thời kỳ gió mùa nên địa mạo khu vực này cũng bị biến động mạnh và hiện tượng xói lở bờ biển có xu hướng mạnh và nhanh hơn đi về phía Nam Lộc An, phá hủy dần các dãy đụn cát và đe dọa đến khu vực bên trong đầm phá. Các cửa mới mở trong vùng Lộc An đã làm ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thuỷ, hải sản và nhất là làm thiệt hại rất lớn cho ngành du lịch của tỉnh.

Năm 2005 Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh BR-VT đã chủ trì thực hiện công trình chống xói lở bờ biển với hệ thống 8 mỏ hàn ngang (thẳng góc với bờ biển) bằng công nghệ mềm Stabiplage của Cộng hoà Pháp. Công trình được xây dựng rất nhanh chóng chỉ trong vòng một tháng, tuy nhiên cũng gặp rất nhiều khó khăn trong thi công do thiếu thốn nhiều thiết bị chuyên dùng. Thời gian đầu khi công trình vừa được xây dựng xong, nhiều người đã hoài nghi về tính khả thi của nó, nhưng trải qua hơn 6 năm đến năm 2011, công trình này đã phát huy được tác dụng rất tốt, dọc theo đoạn bờ biển trong phạm vi 8 mỏ hàn ngang một khối lượng lớn cát bồi lên rất cao làm cho đoạn bờ biển này trước đây là vùng bị xói lở trọng điểm nhưng nay đã được bồi cao và rất ổn định. Trên vùng cát bồi, những hàng cây phi lao xanh tốt và các loại thực vật thấp như cỏ biển và rau muống biển đã gần như lấp kín vùng đất cát mà tưởng chừng như sẽ bị phá huỷ hoàn toàn bởi những tác động động lực của biển nếu như công trình bảo vệ bờ này không được xây dựng kịp thời.   

Trong đoạn xây dựng 8 kè Stabiplage, bãi biển không chỉ được bồi rộng ra xa mà còn được bồi cao lên 3 đến 4m có tác dụng bảo vệ tốt cho cơ sở hạ tầng phía bên trong. Do khu vực xây dựng công trình còn khá khiêm tốn (khoảng 600m) nên chỉ có tác dụng bảo vệ bờ trong phạm vi này. Năm 2011, Sở Khoa học & Công nghệ được UBND tỉnh cho phép thực hiện tiếp 8 kè mỏ hàn bằng công nghệ mềm Stabiplage về phía Nam (Từ mỏ hàn số 8 cũ đi về phía Nam) và trong một thời gian ngắn đã thi công xong. Hiện 8 mỏ hàn Stabiplage mới cũng đã phát huy tác dụng rất tốt, làm cho bãi biển phía Nam, mà trước đây cũng bị xói lở khá mạnh nay đã được bồi lên rất nhiều. Tại vị trí mỏ hàng số 1 (cũ) đã xây dựng thêm một số mỏ hàn Stabiplage hình tam giác để bảo vệ đoạn bờ sông - biển này.

Cũng trong tháng 10/2011, Sở Khoa học & Công nghệ Bà Rịa – Vũng Tàu đã phối hợp cùng Viện Kỹ thuật Biển đề xuất việc nghiên cứu mở cửa Lộc An mới về phía Bắc nhằm ổn định lâu dài cho toàn khu vực tại một Hội nghị do Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn tỉnh tổ chức, trong Hội nghị này Sở Khoa học & Công nghệ đã cảnh báo về vấn đề nạo vét, tận thu doi cát cửa Lộc An vì vấn đề này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến hệ thống kè mỏ hàn Stabiplage đã được xây dựng. Nếu doi cát này bị phá hủy và khu vực này bị hút đi một khối lượng lớn sẽ tạo điều kiện cho sóng lớn và triều cường vào mùa gió Đông Bắc tác động trực tiếp rất mạnh vào bờ trong của sông Ray và phá hỏng rất nhanh mỏ hàn Stabiplage hình tam giác cũng như một số mỏ hàn khác.

Nhận xét: Hình thái bờ biển vùng cửa Lộc An được xem là bị biến đổi mạnh và nhanh nhất của tỉnh BR-VT do tính chất phức tạp của địa hình đường bờ và những tác động động lực biển. Trong nhiều thập niên qua, cửa Lộc An luôn bị dịch chuyển về phía Tây Nam bởi dòng bùn cát do sóng biển và dòng chảy ven bờ tạo nên. Những doi cát được bồi phía ngoài biển với chiều rộng hàng trăm mét, độ cao khoảng từ 3 ÷4m đã hình thành nên bờ ngoài sông Ray và bờ tiến đến vị trí cửa như hiện tại.

Mặc dù đoạn xây dựng công trình dài hơn 1.000m bằng công nghệ Stabiplage đã phát huy được tác dụng tích cực, bờ biển được bồi lên cao, phi lao và một số loài thực vật khác phát triển rất tốt, tuy nhiên  nếu doi cát bị mất đi sẽ tăng nguy cơ sóng biển và triều cường phá hủy bờ phía trong của sông Ray.

Để có thể ổn định lâu dài cho vùng cửa Lộc An, Viện Kỹ thuật Biển yêu cầu không được phá hủy doi cát, đồng thời cho nghiên cứu mở cửa mới Lộc An tại vị trí ngay cầu sông Ray đổ ra biển, trong đó sẽ xây dựng hai mỏ hàn chắn cát hai bên cửa sông để tránh tình trạng bồi lấp và dịch chuyển cửa như từng đã xảy ra từ trước đến nay.

Dưới đây là một số hình minh họa sự tác động của các yếu tố động lực (sóng, dòng chảy ven bờ..) tác động vào bờ trong của sông Ray trong trường hợp có doi cát ở phía ngoài  và khi doi cát đã bị phá hủy.

 

                                                   TS. Nguyễn Thế Biên

Viện kỹ thuật biển TP. Hồ Chí Minh

Đặc san KH&CN
In trang Quay lại Lên trên

  
LOGO
Bộ Khoa học và Công nghệ
Bộ Khoa học và Công nghệ


Cổng thông tin điện tử Chính Phủ
Cổng thông tin điện tử Chính Phủ


Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn


Kênh truyền hình nông nghiệp - nông thôn
Kênh truyền hình nông nghiệp - nông thôn


Trang KHCN phục vụ nông thôn
Thông tin tư vấn


bảng giá nông sản
Bảng giá nông sản


Bản quyền thuộc Uỷ Ban Nhân Dân xã Phước Hội, huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu
Điện thoại: (84.064) 3.681.102 - Fax: (84.064) 3.681.102
Đơn vị thiết kế: Trung tâm Tin học và Thông tin KHCN Bà Rịa - Vũng Tàu