Xã Phước Hội là một xã thuần nông, đa số nhân dân sống bằng nghề trồng trọt và chăn nuôi. Xác định đây là một trong những hướng phát triển kinh tế cải tạo đời sống của người dân trên địa bàn xã.
Trong những năm qua, lãnh đạo Đảng ủy, UBND xã luôn đặc biệt quân tâm vấn đề chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, thường xuyên chỉ đạo đến các ban ngành, đoàn thể tuyên truyền, vận động người dân mạnh dạng đầu tư nhiều mô hình chăn nuôi và sản xuất phù hợp với tình hình thực tế và điều kiện thổ nhưỡng tại địa phương.
Một trong số đó có mô hình nuôi bò sinh sản của gia đình anh Trần Văn An sinh năm 1962 ấp Hội Mỹ, xã Phước Hội, huyện Đất Đỏ, một người nông dân luôn hăng say lao động, dám nghĩ, dám làm với quyết tâm vươn lên thoát nghèo, phát triển kinh tế gia đình.
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình đông anh em, cha mẹ nghèo nên từ lúc nhỏ cuộc sống của anh rất cơ cực và vất vả, từ khi lập gia đình cuộc sống của anh càng vất vả hơn gấp bội, để có tiền lo cho gia đình và các con ăn học, anh thường xuyên phải đi làm thuê để kiếm tiền, kinh tế gia đình chỉ trông chờ vào số tiền ít ỏi làm thuê mà anh kiếm được.
Tuy nhiên với quyết tâm và ý chí vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống, bước đầu anh đầu tư trồng rau cải trên 02 sào đất của gia đình để tăng thêm thu nhập tích lũy thêm nguồn vốn.
Năm 2008, qua tổ chức Hội Nông dân xã, anh đã vay 10 triệu đồng từ nguồn vốn ngân hành chính sách xã hội huyện, với số vốn trên cộng với tiền tích lũy của gia đình, anh mạnh dạng đầu tư xây dựng chuồng trại và mua 01 con bò cái về nuôi. Trong quá trình chăn nuôi, với tính cách cần cù, chịu thương, chịu khó đồng thời anh thường xuyên chăn thả ngoài đồng, cùng với việc tích cực tham gia các lớp tập huấn về kỹ thuật chăn nuôi và chăm sóc bò sinh sản do Hội Nông dân xã phối hợp với Trạm Khuyến nông huyện tổ chức.
Qua thời gian chăm sóc, bò mẹ lần lượt đẻ ra những chú bê con, cứ như thế từng ngày qua ngày bò mẹ lại tiếp tục sinh sản ra thêm nhiều chú bê con, do vậy dần dần số lượng đàn bò đã tăng lên đáng kể, sau đó anh chọn ra những con bò đực được hơn 01 đến 02 năm tuổi để bán. Có được số tiền lãi anh sửa sang lại chuồng trại để xử lý chất thải, đảm bảo vệ sinh.
Ngoài ra để có nguồn thức ăn, anh An dành ra 01 sào đất để trồng thêm cỏ bổ sung nguồn dinh dưỡng cho đàn bò. Sau thời gian vất vả chăm sóc, đến nay đàn bò của gia đình anh đã tăng lên 14 con gồm có 06 con bê con; 01 con bò đực và 07 con bò mẹ; trong đó có 02 con đang có bầu và sẽ đẻ bê con trong năm nay, ước tính tổng giá trị đàn bò của anh khoảng 300 triệu đồng, như vậy chỉ trong thời gian ngắn nữa tổng đàn bò của anh sẽ lên đến 16 con, sẽ thêm nhiều vất vả, thêm công chăm sóc nhưng đó cũng chính là niềm vui, là nguồn động lực thôi thúc để anh tiếp tục phát triển mô hình, những chú bê con sau khi xuất chuồng đem lại một nguồn thu lớn, từ đó tạo nguồn vốn xoay vòng đầu tư mở rộng chăn nuôi và phát triển kinh tế gia đình. Đến nay kinh tế gia đình của anh đã khấm khá lên, không còn cảnh nghèo khó nữa, các con của anh cũng đã trưởng thành và có công ăn việc làm ổn định.
Tâm sự với chúng tôi anh An cho biết điều quan trọng nhất là mình phải quyết tâm và chịu học hỏi kinh nghiệm, cùng với việc xử lý tiêm phòng ngừa bệnh đúng quy trình và cần chú ý giữ chuồng trại khô thoáng và sạch sẽ theo khuyến cáo của các ngành chuyên môn, đồng thời thường xuyên chăn thả ngoài đồng, tận dụng tối đa nguồn thức ăn có sẳn trong tự nhiên kèm theo phụ phẩm nông nghiệp như rơm rạ, do vậy đàn bò của anh luôn mạnh khỏe và sinh sản tốt.
Khi được hỏi về những dự định và hướng phát triển trong tương lai, anh chia sẽ: Thời gian tới gia đình sẽ tăng thêm số lượng đàn bò sinh sản và tiếp tục duy trì nhân rộng mô hình này, vì đây là mô hình rất phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương, qua đó giúp người dân tăng thu nhập phát triển kinh tế gia đình, góp phần thực hiện tốt tiêu chí số 10 về tăng thu nhập trong Bộ tiêu chí xây dựng xã nông thôn mới trên địa bàn xã Phước Hội.