Thời gian gần đây, khi mà bệnh dịch tả heo Châu Phi hoành hành, nhiều hộ nuôi heo tận dụng chuồng trại bỏ trống để nuôi gia cầm, nhằm tiết kiệm chi phí đầu tư chuồng nuôi, góp phần bù đắp thu nhập khi chưa thể tái đàn heo vào thời điểm này.
Sau khi thua lỗ vì đàn heo bị bệnh dịch tả heo Châu Phi, anh Lê Tấn Đạt (ở ấp Mướp Sát, xã Trung Hiệp- Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long) tận dụng chuồng heo bỏ trống để nuôi vịt xiêm.
Để cải tạo chuồng nuôi, anh Đạt vệ sinh sạch sẽ toàn bộ nền, tường chuồng nuôi, sau đó để khô, quét nước vôi và phun thuốc sát trùng. Sau đó, anh Đạt mua lưới nhựa để làm sàn và chuẩn bị máng ăn, máng uống, đèn sưởi,... trước khi nhập vịt giống về nuôi.
Theo anh Đạt, vịt xiêm giống không chuẩn sẽ bị trùng huyết, thoái hóa nên khi nuôi sẽ không hiệu quả. Do đó, anh Đạt chọn mua giống ở cơ sở cung cấp giống có uy tín ở tỉnh Tiền Giang và được cơ sở này “bao” chất lượng với giá 25.000 đ/con vịt xiêm giống.
Sau khoảng 2,5 tháng nuôi, vịt xiêm của anh đạt trên 2,5kg mỗi con, với giá bán vịt xiêm thịt 56.000 đ/kg, anh Đạt lời khá, bù đắp phần nào lỗ lã do heo bị bệnh.
Việc chuyển đổi chăn nuôi đòi hỏi người dân phải áp dụng kỹ thuật mới, an toàn nhằm hạn chế dịch bệnh và rủi ro thị trường.
Là người có nhiều năm chăn nuôi gia cầm, bên cạnh mô hình chăn nuôi gà thả vườn, lâu nay anh Dương Hoàng Giang (ấp Rạch Ngay, xã Trung Hiệp) cũng đầu tư nuôi vịt xiêm. Anh Giang cho biết, tuy nuôi số lượng không nhiều, mỗi lứa từ 30- 50 con, nhưng hiệu quả kinh tế loại thủy cầm này mang lại khá cao.
Theo kinh nghiệm của anh Giang, vịt xiêm được anh nuôi ở một khu riêng, tách biệt với gà để tránh dịch bệnh xâm nhiễm.
Vịt xiêm có cái khó là không thể nuôi cố định một chỗ lứa này qua lứa khác mà phải luân chuyển qua chỗ khác khoảng 3 lứa rồi mới quay lại để hạn chế dịch bệnh.
Cũng theo anh Giang, nhiều hộ ở ấp Rạch Ngay tận dụng chuồng trại nuôi heo để thả vịt xiêm, tiết kiệm chi phí, nhưng kinh nghiệm cho thấy vịt xiêm nuôi trên nền cát vẫn là tốt nhất. Loài thủy cầm này cũng cần nước để tắm nhưng nhu cầu nước của vịt xiêm lại ít hơn so với vịt tàu.
Bên cạnh giống vịt xiêm đen thì hiện nay nhiều hộ cũng chọn nuôi giống vịt xiêm Pháp. Loại này nuôi khoảng 80 ngày đạt 2,7kg, là có thể xuất bán nên tính ra nuôi vịt xiêm nhanh hơn nuôi gà. Riêng vịt xiêm đen thì có thể xuất chuồng sớm hơn 5- 10 ngày, nghĩa là nuôi khoảng 70- 75 ngày.
Chuồng nuôi heo của anh Lê Tấn Đạt đã được cải tạo để nuôi vịt xiêm.
Có thời điểm giá vịt xiêm lên tới đỉnh 70.000 đ/kg mà người nuôi vẫn không có lứa để bán. Giờ thì vịt xiêm đã được nuôi với số lượng nhiều nên không còn hút hàng như trước.
Hiện giá bán vịt xiêm đen ở mức 56.000 đ/kg. Tuy vậy, theo anh Giang, nếu nuôi vịt xiêm thành công với quy mô như nuôi gà thả vườn thì hiệu quả kinh tế đem lại rất cao, nông dân mau làm giàu, một lời một.
Đánh giá của UBND huyện Vũng Liêm, mô hình nuôi vịt xiêm tại địa phương đang là giải pháp để tận dụng chuồng trại chăn nuôi heo hiệu quả trong khi chưa thể tái đàn heo do bệnh dịch tả heo Châu Phi.
Theo đó, người nuôi vịt xiêm Pháp bình quân 3 tháng xuất bán 1 lần, trọng lượng 3kg/con, tỷ lệ hao hụt 5%. Giá bán dao động từ 53.000- 55.000 đ/kg, chi phí khoảng 40.000 đ/kg, lợi nhuận từ 13.000- 15.000 đ/kg. Như vậy, với quy mô nuôi 1.000 con thì lợi nhuận đạt từ 37- 42 triều đồng, hiệu quả kinh tế mang lại là khá cao.
Theo Sở Nông nghiệp- PTNT, trước tình trạng khủng hoảng chăn nuôi heo do bệnh dịch tả heo Châu Phi, việc chuyển sang chăn nuôi vật nuôi khác là cần thiết và trong nỗ lực tìm nguồn thực phẩm thay thế cũng như bù đắp sự sụt giảm của ngành chăn nuôi heo, mang lại thu nhập cho người chăn nuôi.
Tuy nhiên, việc chuyển đổi này đòi hỏi người chăn nuôi phải có kinh nghiệm, kiến thức, áp dụng kỹ thuật chăn nuôi mới an toàn, nhằm hạn chế dịch bệnh và rủi ro thị trường khi số lượng tăng ồ ạt, cung vượt cầu.