Chế độ nước tưới: Khâu điều tiết nước rất quan trọng, có thể quyết định đến hiệu lực phân bón và phòng trừ sâu bệnh sau này. Với lúa cấy, vụ xuân nên lấy nước làm áo; sau cấy, luôn giữ một lớp nước nông trên mặt ruộng nhằm giữ ấm cho cây lúa, giúp cây nhanh bén rễ. Với lúa gieo thẳng, sau gieo, nông dân cần giữ ẩm mặt ruộng nhưng rãnh luống cần có nước để hạn chế cỏ dại và giúp cây con nhanh bám rễ, rễ ăn sâu, cây khỏe, mập…
Dặm tỉa: Nông dân nên dặm tỉa càng sớm càng tốt, kết thúc trước khi cây lúa đẻ nhánh. Với lúa gieo thẳng, nông dân cần áp dụng phương thức vãi tay, cây cách cây khoảng 8-12cm, sạ hàng khoảng 18-20 dảnh/mét dài, bảo đảm 90-100 dảnh/m2 là vừa. Với lúa cấy, những giống đẻ khỏe như lúa lai, BC15… mật độ 28-30 khóm/m2, 1-2 dảnh/khóm; đối với lúa đẻ trung bình như TBR1… mật độ 32-35 khóm/m2, 2-3 dảnh/khóm.
Trừ cỏ dại và ốc bươu vàng: Để hạn chế sử dụng thuốc hóa học, góp phần bảo vệ môi trường, nông dân cần tăng cường các biện pháp thủ công để trừ cỏ dại và ốc bươu vàng. Đối với lúa gieo thẳng, sau khi đưa nước vào ruộng, ốc sẽ theo đường nước vào gây hại cây non, vì vậy, nông dân cần chủ động phòng trừ, nên ưu tiên diệt ốc và trứng ốc bằng phương pháp bắt thủ công một cách thường xuyên trong suốt thời gian sinh trưởng của lúa, hạn chế tối đa khả năng sinh sản của ốc.
Phân bón: Ngoài phân bón lót, nông dân nên bón thúc bằng các loại phân NPK chuyên thúc cho lúa có hàm lượng đạm và kali cao với lượng khoảng 14-17 kg/sào.
Lưu ý: Mỗi lần bón phân xong, nông dân cần đục nước cho chìm phân hoặc vơ cỏ bằng tay kết hợp dặm tỉa nhằm hạn chế mất phân; không nên sử dụng phân đơn để bón cho lúa; đặc biệt không được bón đạm lai rai gây kéo dài thời gian đẻ nhánh, lúa bị tốt lá, ruộng lúa không thông thoáng… là điều kiện để sâu bệnh phát sinh gây hại; tuyệt đối không bón phân đạm khi nhiệt độ dưới 15 độ C. Ngoài ra, nông dân cần thường xuyên kiểm tra đồng ruộng để kịp thời phát hiện sâu bệnh và phòng trừ theo hướng dẫn của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật.