Hiện nay, nhiều hộ nông dân đã lựa chọn cách làm kinh tế cho thu nhập ổn định là nuôi bò sinh sản cho thu 10 - 12 triệu đồng/con/năm. Chỉ cần đầu tư cho một con bò mẹ là có ngay một con bê con mỗi năm. Cách làm kinh tế này được đánh giá là có hiệu quả, ít rủi ro hơn so với nuôi bò thịt, nuôi lợn, gà.
Tuy nhiên, để chăn nuôi đạt hiệu quả tốt nhất để đảm bảo tốc độ tăng đàn và chất lượng bê con nuôi thịt thì người nuôi bò cái sinh sản cần chú ý một số khâu kỹ thuật sau:
-Cho ăn hiệu quả:
Thường thì khẩu phần ăn cho bò cái trọng lượng trung bình 200 - 220 kg thì cần ít nhất 1 kg bột hoặc cám (ngô, gạo) + 0,2 đến 0,3 kg khô dầu lạc và khoảng 20 gr Premix khoáng, vitamin (nếu nuôi thả). Cần bổ sung thêm khoảng 20 đến 25 kg cỏ xanh nếu như bò nuôi nhốt chuồng. Nếu bò sinh sản có trọng lượng lớn hơn thì tăng lượng thức ăn theo tỷ lệ 2,5 - 3 kg vật chất khô/100 kg thể trọng.
Còn trong thời gian bò chửa hoặc sinh con thì cần phải bổ sung thêm thức ăn tinh nhằm tăng hàm lượng dinh dưỡng nuôi thai và sản xuất sữa cho con bú. Bà con có thể cho ăn theo khẩu phần (30 đến 35 kg cỏ tươi + 2 kg rơm ủ + 1 kg thức ăn tinh hoặc cám tổng hợp + 25 đến 30 gr muối + 30 đến 35 gr bột xương/ngày) là hợp lý nhất. Bên cạnh đó, bà con có thể dùng thêm sản phẩm men ủ thức ăn NN1 để bổ sung thêm các chất khoáng, vitamin trong khẩu phần ăn của bò.
Phối giống:
Khi bò cái động dục sẽ có các biểu hiện: Kêu rống lên, phá chuồng, kém hoặc bỏ ăn, thích nhảy lên lưng con khác rồi lại đứng yên cho con khác nhảy lên, âm hộ hơi mở có màu đỏ hồng, dịch từ âm hộ chảy ra trong như nhựa chuối… Thời điểm phối giống (thụ tinh) thích hợp nhất là sau khi kết thúc chịu đực. Bà con cần theo dõi những biểu hiện của đàn bò cái, quan sát tình trạng của bò để cho bò đi giống ngay trong ngày sẽ đạt hiệu quả.
Chú ý: Trong thời kỳ bò mang thai, người nuôi không nên bắt bò cày, kéo hoặc xua đuổi để bò chạy sẽ ảnh hưởng xấu đến thai.
Đỡ đẻ và chăm sóc cho bò sau sinh:
Đây là giai đoạn cực kì quan trọng, nếu thuận lợi thì bò sẽ sinh ra con khỏe mạnh. Bà con cần chú ý các biểu hiện bồn chồn, chân gảy lên bụng, đuôi cong, vú căng, âm hộ nở, có dịch nhày là bò sắp đẻ. Nếu bò đẻ thuận lợi người nuôi có thể tự đỡ đẻ cho bò bằng cách sát trùng tay, kiểm tra thai xuôi hay ngược để sửa lại.
Dùng tay kéo nhẹ bê ra, cắt dây rốn để còn 10 đến 12 cm rồi sát trùng rốn cho bê bằng cồn, lau nhớt giãi trong mũi, mồm bê và đặt lên mô rơm khô để bò mẹ vệ sinh tiếp cho con. Người nuôi cũng nên bóc móng cho bê sau sinh để bê khỏi bị ngã vì trơn trượt. Vệ sinh phần thân sau và vú bò mẹ để bê con có thể bú ngay sau sinh. Nếu trường hợp bò đẻ khó thì cần phải có sự can thiệp của bác sĩ thú y.
Sau khi bò sinh xong, bà con cần hồi sức cho bò mẹ bằng nước uống ấm có pha cám, muối. Thời gian đầu sau sinh (2 đến 3 tuần) nên cho bò mẹ ăn cháo (1,2 đến 1,5 kg thức ăn tinh/con/ngày + 25 đến 30 gr muối ăn + 30 đến 35 gr bột xương + cỏ tươi ăn tự do cả ngày). Các ngày sau cho bò mẹ ăn 25 đến 30 kg cỏ tươi + 2 đến 3 kg rơm ủ + 1,5 đến 2 kg cám hoặc thức ăn hỗn hợp để bò mẹ phục hồi sức khỏe, nhanh có lứa sau. Lúc này, men ủ thức ăn NN1 rất hữu ích để hỗ trợ bà con chuẩn bị thêm thức ăn ủ chua cho đàn bò.
Trong giai đoạn này cũng cần giữ vệ sinh sạch sẽ chuồng trại và cơ thể bò mẹ bởi trong giai đoạn này sức đề kháng của cả bò mẹ và bê con đều yếu nên rất dễ làm điều kiện cho virut gây bệnh. Bà con cần tiêm phòng đầy đủ vacxin định kỳ một số bệnh truyền nhiễm như dịch tả, tụ huyết trùng, lở mồm long móng, bệnh sẩy thai truyền nhiễm.