1/ Bước 1: Xử lý hạt giống
Đây là biện pháp quan trọng nhằm tiêu diệt mầm mống sâu bệnh trên hạt giống ngay từ đầu, hạn chế lây lan ra ngoài đồng ruộng.
- Xử lý bằng nước nóng 54°C (pha tỷ lệ 3 sôi 2 lạnh): Xử lý trong vòng 15 - 20 phút sau đó tiếp tục đổ nước sạch vào ngâm bình thường. Phương pháp này đơn giản nhất, có tác dụng trừ nấm bệnh và tuyến trùng trên hạt, tạo cho hạt hút nước nhanh.
- Xử lý bằng nước vôi: ngâm hạt giống bằng nước vôi trong 2% (dùng 0,2 kg vôi khối hòa trong 10 lít nước, gạn lấy nước trong đem xử lý hạt giống) từ 8 – 10 giờ sau đó vớt ra đãi sạch rồi ngâm bình thường.
- Xử lý bằng thuốc trừ nấm như CuSO4 (1-4%), Bavistin, Daconil, Captan … pha nồng độ 0,3% ngâm trong 12 giờ. Một trong những loại thuốc hiện đang được bà con nông dân sử dụng rộng rãi là thuốc Cruser plus 312,5 FS để ngăn ngừa sự tấn công gây hại ngay từ đầu đối với bọ trĩ và một số côn trùng trích hút khác trên cây lúa như rầy nâu. Ngoài ra các hoạt chất trừ nấm có trong thành phần thuốc sẽ diệt trừ các loại mầm bệnh còn tiềm ẩn trên hạt giống mà với các biện pháp khác khó loại trừ.
Đối với hạt giống mới thu hoạch muốn gieo ngay cần áp dụng phương pháp xử lý phá ngủ để tăng độ nảy mầm. Dùng axít nitric 0,2% (lượng dùng 100 ml dung dịch cho 1,2- 1,4 tạ hạt giống) để xử lý phá ngủ hoặc dùng supe lân để thay thế.
2/ Bước 2: Ngâm giống
Thời gian ngâm hạt giống trong nước sạch 24-36 giờ (tùy thời tiết, giống lúa), cho lượng nước ngập trên hạt giống ít nhất 20cm, khi hạt no nước là được, cứ 6-8 tiếng thay nước và rửa hạt một lần. Khi nhiệt độ xuống thấp, thời gian ngâm kéo dài dễ gây hiện tượng chua, vì vậy thường xuyên kiểm tra nếu khô thì bổ sung bằng nước ấm, ngửi có mùi chua thì bà con cần tiến hành đãi chua.
Hạt thóc đủ tiêu chuẩn đem ủ là hạt phải no nước, mép hạt hơi sưng, vỏ trấu trong suốt và có thể thấy rõ phôi hạt bên trong qua vỏ trấu. Khi thấy hạt giống đủ tiêu chuẩn đem đãi thật sạch, để cho chảy hết nước đọng (ráo nước) thì đem ủ.
3/ Bước 3: Ủ giống
Khi hạt thóc đã hút no nước, đãi thật sạch, vớt hết lép lửng, để ráo nước rồi đem thóc ủ trong bao vải hoặc thúng. Trên miệng thúng phủ bằng bao vải.
- Vụ Đông xuân ủ ấm ngay từ ban đầu (khi hạt thóc chưa nứt nanh) ở nhiệt độ 30- 32oC. Thời gian ủ khoảng 36-48 giờ hạt thóc ra mầm đều, mầm bằng 1/3 rễ đem gieo là tốt nhất.
Trong quá trình ủ 8-10 giờ kiểm tra 1 lần bằng cách:
+ Nhúng tay vào giữa thúng ủ mà tay khô thì lập tức phun nước vào, đảo trộn lại hạt giống để hạt giống có đủ độ ẩm.
+ Nhúng tay vào giữa thúng ủ mà tay ướt, nhớt, phải ngay lập tức dùng nước rửa sạch nhớt bám vào hạt giống rồi sau đó tiếp tục ủ lại hạt giống, nếu không rửa lại hạt giống kịp thời thì hạt giống không mọc mầm được và sẽ bị thối.
+ Nhúng tay vào giữa thúng ủ thấy tay lạnh thì cần dùng nước ấm phun vào hạt giống và đảo trộn đều để hạt giống có điều kiện mọc mầm.
Nếu thấy hạt giống đã nảy mầm, nhưng mầm dài ra và rễ ngắn thì phải phun thêm nước vào và đảo trộn hạt giống rồi tiếp tục ủ. Ngược lại nếu thấy mầm quá ngắn, rễ lại quá dài thì phải đảo trộn hạt giống từ trong ra ngoài, từ ngoài vào trong, từ trên xuống, từ dưới lên để cung cấp đủ dưỡng khí cho mầm phát triển.
|
|
Tiêu chuẩn của mống tốt: Vừa có mầm vừa có rễ, rễ dài bằng 1/3 đến 1/2 chiều dài hạt thóc, mầm mới nhú.
* Lưu ý: Nếu hạt thóc đã đạt tiêu chuẩn đem gieo nhưng gặp thời tiết rét đậm <150C thì cần có biện pháp tác động nhằm kìm hãm sự phát triển của rễ, mầm bằng cách dùng tro bếp nguội trộn đều với mống mạ theo tỷ lệ (3 tro 10 kg mống) rồi đổ trên nong, nia trải đều dày khoảng 15 - 20cm rồi phủ bao tải ẩm lên trên có thể giữ mống kéo dài được 2 - 3 ngày.