Không trông chờ, ý lại vào các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, nhiều gia đình chính sách tại xã Phước Hưng, huyện Long Điền bằng ý chí, nghị lực của mình đã nổ lực vươn lên làm ăn phát triển kinh tế, nâng cao đời sống, đi đầu trong phong trào giảm nghèo tại địa phương. Trước đây cuộc sống của bà Trần Thị Diệu - vợ liệt sĩ ngụ tại ấp Hải Lâm có cuộc sống khó khăn. Chồng bà là liệt sĩ Võ Đình Phùng- hi sinh năm 1972 tại mặt trận phía Nam. Chồng hi sinh khi đứa con gái duy nhất của bà mới hơn 1 tháng tuổi. Bà Diệu đã ở vậy thờ chồng, làm ăn nuôi con. Năm 1990, bà Diệu từ quê hương Hà Tĩnh đến lập nghiệp tại ấp Hải Lâm, xã Phước Hưng. Lúc mới đến đây cuộc sống của hai mẹ con bà gặp rất nhiều khó khăn. Để ổn định cuộc sống bà Diệu đã vay mượn anh em họ hàng một ít tiền và mua được 6 sào đất trồng lúa.
bà Trần Thị Diệu- vợ liệt sĩ
Tuy nhiên việc sản xuất lúa không hiệu quả, đời sống gia đình bấp bênh. Với quyết tâm không cam chịu đói nghèo, bà Diệu nghiên cứu và mạnh dạn chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng cây xoài. Bên cạnh đó bà đầu tư nuôi gà ta thả vườn và nuôi heo rừng lai. Trong quá trình sản xuất, chăn nuôi bà Diệu được địa phương hỗ trợ cho tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật về trồng trọt, chăn nuôi. Nhờ đó bà đã áp dụng sản xuất, chăn nuôi hiệu quả. Hiện nay, hàng năm, từ chăn nuôi và trồng xoài bà có thu nhập trên 200 triệu đồng. Cuộc sống của gia đình bà ngày càng khấm khá. Bà Trần Thị Diệu tâm sự: " là gia đình chính sách, bản thân tôi cũng được Đảng, nhà nước, chính quyền địa phương quan tâm, hỗ trợ rất nhiều. Nhưng luôn nghĩ rằng mình phải cố gắng làm ăn để phát triển kinh tế gia đình. Từ khi chuyển đổi từ trồng lúa sang cây xoài và chăn nuôi, thu nhập của gia đình ổn định. Con và các cháu của tôi có điều kiện học tập tốt hơn".
Phát triển kinh tế nhờ trồng xoài và nuôi gà
Cũng với suy nghĩ không cam chịu đói nghèo, thương binh Phan Văn Thu, ngụ ấp Phước Lâm đã nổ lực phát triển kinh tế, nâng cao đời sống cho gia đình. Đã từng là người lính suốt 5 năm cùng đồng đội tham gia các trận đánh ác liệt ở chiến trường Quảng Trị, năm 1972, ông Phan Văn Thu bị thương và được xuất ngũ trở về quê hương với tỷ lệ thương tật 61%. Cuộc sống khó khăn nên ông đã đưa cả gia đình rời quê Nam Định đến lập nghiệp tại ấp Phước Lâm, xã Phước Hưng. Với quyết tâm "tàn nhưng không phế", ông Thu đã thử làm đủ nghề từ trồng lúa, trồng màu, đi biển đến buôn bán để nuôi các con ăn học. Từ sự cố gắng của ông, kinh tế gia đình ngày càng ổn định. Ông đã xây được căn nhà khang trang, kiên cố và lo cho các con ăn học đến nơi, đến chốn. Trong số 6 người con của ông thì có 5 người con đã tốt nghiệp đại học và có việc làm ổn định.
ông Phan Văn Thu- Thương binh 2/3
Hiện nay, dù đã gần 70 tuổi những ông vẫn buôn bán gạo. Từ buôn bán, hàng năm ông có thu nhập gần 100 triệu đồng. Với ông việc buôn bán không chỉ phát triển kinh tế gia đình mà còn là việc để mình giao lưu với bà con trong vùng và vận động tay chân, luyện tập nâng cao sức khỏe. Có cuộc sống khá giả, ông vẫn thầm cảm ơn sự giúp đỡ của chính quyền các cấp địa phương và bà con lối xóm từ những ngày ông mới tới lập nghiệp tại đây. ông Phan Văn Thu cho biết: " Chính quyền, các ban ngành đoàn thể địa phương đã giúp đỡ gia đình tôi rất nhiều từ những ngày tôi mới tới đây lập nghiệp. Dù bị thương, sức khỏe yếu nhưng tôi vẫn suy nghĩ phải cố gắng làm ăn, phát triển kinh tế, xây dựng đất nước, sống gương mẫu xứng đáng với những hi sinh của các đồng chí, đồng đội của mình" Trên địa bàn xã Phước Hưng hiện có 211 đối tượng chính sách. Trong đó gồm: 5 bà Mẹ Việt Nam anh hùng, 29 thương binh, 10 bệnh binh, 55 thân nhân liệt sĩ, 82 người tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học và 30 đối tượng chính sách khác. Thời gian qua, xã đã triển khai kịp thời các chính sách hỗ trợ của nhà nước dành cho các đối tượng chính sách. Bên cạnh đó, địa phương thường xuyên tổ chức các hoạt động chăm lo, giúp đỡ các đối tượng chính sách.
Công việc hàng ngày của ông Thu
Vào các dịp lễ, tết, xã tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân chung tay ủng hộ, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho các mẹ Việt Nam anh hùng, các gia đình thương binh, bệnh binh, gia đình có công với cách mạng. Đặc biệt xã tạo mọi điều kiện thuận lợi để các gia đình chính sách phát huy nội lực, cố gắng vươn lên làm ăn, phát triển kinh tế, là tấm gương sáng để người dân noi theo. Ông Nguyễn Thành Trí- Phó Chủ tịch UBND xã Phước Hưng cho biết: " với đạo lý uống nước nhớ nguồn, đền ơn đáp nghĩa, thời gian qua cùng với việc thực hiện các chính sách với người có công thì địa phương cũng thường xuyên khảo sát, động viên tinh thần, hỗ trợ việc làm cho con em đối tượng chính sách, thương binh, bệnh binh, hỗ trợ nguồn vốn để gia đình chính sách có điều kiện làm ăn, phát triển kinh tế, nâng cao đời sống"
Đến nay, về cơ bản, đời sống của các gia đình chính sách trên địa bàn xã Phước Hưng ổn định khá giả, không có hộ gia đình chính sách nghèo. Nhiều gia đình chính sách đang vươn lên làm giàu cho bản thân và đóng góp vào sự phát triển kinh tế của địa phương. Họ chính là những tấm gương sáng không chỉ trong kháng chiến bảo vệ Tổ Quốc mà cả trong công cuộc giảm nghèo, xây dựng và phát triển địa phương.
(sưu tầm)