Ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp tạo ra những sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao được coi là xu hướng tất yếu.
Chiều 17/12, tại Hà Nội, Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức diễn đàn "Phát triển hệ sinh thái: Hỗ trợ doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao".
Khai mạc diễn đàn, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên xuất khẩu nông sản Việt Nam bế tắc, các thị trường lớn như Trung Quốc, Liên minh châu Âu, Mỹ đóng băng cộng thêm tác động kép của hạn hán, xâm nhập mặn, bão lũ khiến nền nông nghiệp trong nước luôn gặp cảnh nông dân mất mùa, doanh nghiệp phá sản và hàng loạt khó khăn trước mắt.
Bên cạnh việc đầu tư công nghệ chế biến, chú trọng thị trường nội địa, ứng dụng công nghệ được xem là "thang thuốc" hiệu quả cho tương lai nông nghiệp Việt Nam. Cách mạng công nghiệp lần thứ tư không chỉ là một xu hướng ngắn hạn mà là 1 hành trình xuyên suốt liền mạch để thay đổi bộ mặt nền nông nghiệp Việt Nam.
PGS. TS. Đào Thế Anh - Phó Giám đốc Viện KHNNVN (VAAS) cũng cho biết ứng dụng công nghệ tăng giá trị sản xuất trở thành vấn đề sống còn đối với ngành nông nghiệp Việt Nam. Tuy nhiên ông Đào Thế Anh nhấn mạnh hiện Việt Nam đang nằm trong Top 15 nhà xuất khẩu nông sản trên thế giới và đứng thứ 2 tại Đông Nam Á. Tuy nhiên, tổng vốn đầu tư của nhà nước cho nông nghiệp trong 10 năm qua đã tăng lên nhưng đầu tư cho công nghệ mới thì dường như đang bị giảm xuống.
Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam đầu tư cho nghiên cứu và phát triển ngành nông nghiệp tương đương 0,2% GDP nông nghiệp, trong khi đó ở Braxin là 1,8% và Trung Quốc là 0,5%. Mức độ phát triển như của Việt Nam, đầu tư cho nghiên cứu khoa học công nghệ trong nông nghiệp lẽ ra nên ở mức 0,86% GDP nông nghiệp, tức là cần gấp 4 lần so với hiện nay. Ứng dụng công nghệ tăng giá trị sản xuất trở thành vấn đề sống còn đối với ngành nông nghiệp Việt Nam.
Do đó để thúc đẩy hoạt động ứng dụng, chuyển giao công nghệ trong nông nghiệp, nhà nước cần tạo ra hệ sinh thái đổi mới sáng tạo trong thị trường khoa học công nghệ.
Trong đó, đầu tiên là tăng cường đầu tư cho nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, tăng cường đầu tư kinh phí cho hệ thống các đơn vị nghiên cứu trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn của Việt Nam đạt mức tương đương với các nước trong khu vực (0,5% GDP nông nghiệp). Hoặc có thể đầu tư cho khoa học công nghệ nông nghiệp bằng cách, đề xuất với Chính phủ trích 0,5% kim ngạch xuất khẩu để đầu tư lại cho khoa học công nghệ.
Tăng cường chất lượng nguồn nhân lực cho công tác nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, nâng cao chất lượng về chuyên môn đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao về nguồn nhân lực cho công tác nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ (đặc biệt là công nghệ cao và nông nghiệp thông minh với biến đổi khí hậu, nông nghiệp sinh thái, hữu cơ). Mặt khác, cần xem xét về chế độ đãi ngộ để không bị chảy máu chất xám đối với cán bộ nghiên cứu và để cán bộ làm công tác khuyến nông yên tâm công tác có hiệu quả
Thứ nữa là tiếp tục đổi mới cơ chế quản lý khoa học công nghệ, hoàn thiện đồng bộ cơ chế, chính sách đổi mới để thúc đẩy hoạt động KH&CN trong nông nghiệp, nông thôn. Tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân làm khoa học công nghệ phát huy tối đa tính sáng tạo, chủ động, tinh thần trách nhiệm đối với kết quả cuối cùng. Chuyển trọng tâm từ quản lý đầu vào sang quản lý đầu ra và hiệu quả của sản phẩm khoa học công nghệ được ứng dụng vào sản xuất. Thực hiện triệt để hơn các cơ chế khoán tài chính trong khoa học công nghệ. Cải tiến các thủ tục, không biến người làm khoa học công nghệ thành nhân viên hành chính, phải đối phó, mất nhiều thời gian cho các thủ tục rườm rà, nhất là các quy định về tài chính.
Không những vậy, cần xã hội hóa công tác nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, khuyến khích, tạo điều kiện cho các thành phần ngoài công lập tham gia đầu tư vào nghiên cứu và phát triển những lĩnh vực cần ưu tiên. Doanh nghiệp cần phát triển vùng sản xuất nguyên liệu ở quy mô công nghiệp, liên kết với các HTX, có thể đầu tư thuê dịch vụ chuyển giao công nghệ (khuyến nông) cho nông dân sản xuất. Như vậy, công tác chuyển giao công nghệ được coi như một dịch vụ được hạch toán chi phí đầu vào trong sản xuất nông nghiệp.
Và cuối cùng là phát triển thị trường khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, Chất lượng và hàm lượng chất xám cao; Đáp ứng được yêu cầu của sản xuất, kinh doanh, có khả năng áp dụng vào sản xuất quy mô lớn; và mang lại lợi nhuận cho sản xuất, kinh doanh.