Bởi năng suất lươn quá cao so với bất kỳ một đối tượng thủy sản nào nếu nuôi trên cùng một đơn vị diện tích.
Được tư vấn về kỹ thuật xây bể, kỹ thuật nuôi, cuối năm 2019, ông Đạo thống nhất với gia đình tạm gác nghề lái xe, chuyển sang xây trại nuôi lươn thương phẩm với 3 bể nuôi, mỗi bể có diện tích 5m2, rồi đặt mua 3.000 con lươn giống (loại lươn giống có cỡ 500 con/kg) về nuôi trong một bể.
Vừa nuôi ông Đạo vừa học, rút kinh nghiệm chăm sóc cho đàn lươn. Sau hai tháng, đàn lươn phát triển tốt, ông phân cỡ và chia làm ba bể. Thấy lươn lớn nhanh, không hao hụt, ông quyết định mở rộng diện tích bể nuôi.
Đến nay trại lươn thương phẩm của ông có tất cả 22 bể nuôi bằng bạt trên diện tích đất 120m2, với khoảng 30.000 con, đủ các cỡ. Khối lượng khoảng 6 tấn lươn. “Đặc biệt là đàn lươn 3.000 con, thả nuôi trong ba bể đến nay được 11 tháng tuổi, sản lượng khoảng 1 tấn lươn thương phẩm với kích cỡ 2-3 con/kg. Hiện giá bán buôn khoảng 160 ngàn đồng/kg”, ông Đạo chia sẻ thêm.
Theo kinh nghiệm của ông Đạo, nguồn nước nuôi lươn có thể sử dụng nước ngầm, bơm vào bể lộc (có đá, cát và đá nâng pH), chảy vào bể lắng sau đó chuyển về các bể nuôi. Con giống thả nuôi phải rõ nguồn gốc, đúng chất lượng, biết ăn thức ăn công nghiệp dạng viên. Giai đoạn đầu, ngày cho ăn 3 lần, thức ăn viên kết hợp với trùn quế theo tỷ lệ 7:3 (70% thức ăn viên và 30% trùn quế).