Thời gian gần đây, Bệnh viện (BV) Bà Rịa đã tiếp nhận một số trường hợp bị thuyên tắc động mạch phổi nguy hiểm đến tính mạng xảy ra sau tai nạn chấn thương. Tuy nhiên, thuyên tắc động mạch phổi có thể ngăn ngừa và điều trị hiệu quả nếu được chữa trị sớm.
|
Một số trường hợp bị thuyên tắc động mạch phổi nguy hiểm đến tính mạng xảy ra sau tai nạn chấn thương. Trong ảnh: Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân bị tai nạn chấn thương chân tại Khoa Cấp cứu BV Bà Rịa (ảnh minh họa). |
Mới đây, các bác sĩ BV Bà Rịa đã cứu sống một trường hợp nguy kịch do bị thuyên tắc động mạch phổi. Trước đó, bệnh nhân nhập viện trong tình trạng lơ mơ, thở ngáp, mạch nhỏ khó bắt. Các bác sĩ Khoa Cấp cứu phối hợp với Đơn vị Hồi sức tim mạch BV Bà Rịa tiến hành cấp cứu, hồi sức cho bệnh nhân. Suốt quá trình cấp cứu, bệnh nhân có đến 4 lần ngưng tim, ngưng thở. Sau khi làm các xét nghiệm, chụp chiếu chẩn đoán, bệnh nhân được chỉ định phương pháp tiêu sợi huyết để làm thông mạch, tan huyết khối, kịp thời cứu tính mạng cho bệnh nhân.
Điều đáng nói, nguyên nhân khiến bệnh nhân rơi vào tình trạng nguy kịch nói trên là do chấn thương vùng gối trước đó gây ra. Vị trí chấn thương hình thành nên các cục máu đông và theo tĩnh mạch di chuyển lên động mạch phổi, gây thuyên tắc động mạch phổi. “Một vết thương nhỏ ở vùng gối do tai nạn không có gì đáng ngại. Tuy nhiên, đối với người có bệnh lý nền (xơ vữa động mạch vành, tăng huyết áp…), đặc biệt là người lớn tuổi khi bị chấn thương thường phải hạn chế vận động, ngồi hoặc nằm lâu gây ra cục máu đông trong tĩnh mạch vùng đùi và di chuyển lên tới động mạch phổi. Khi đã bị tắc động mạch phổi nếu không xử trí kịp thời thì bệnh nhân sẽ khó qua khỏi” BS CK2 Trần Thanh Đạt, Trưởng khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, BV Bà Rịa giải thích thêm.
Theo bác sĩ Đạt, những triệu chứng của tắc mạch không khó để nhận biết. Đó là các biểu hiện ở vùng da chấn thương bị đau nhức, bầm tím, cộng thêm người bệnh cảm thấy chóng mặt, khó thở… Như trường hợp của bệnh nhân kể trên, ban đầu có dấu hiệu chóng mặt nhưng lại nghĩ là do sức khỏe yếu, ăn uống kém gây ra nên không để ý. Đến khi bị choáng váng, té ngã thì mới đi cấp cứu.
“Để tránh rơi vào tình huống nguy kịch, bệnh nhân khi có những chấn thương bên ngoài cơ thể, đặc biệt ở vùng chân, đùi và xuất hiện các triệu chứng đau nhức, chóng mặt, khó thở… phải đến ngay các cơ sở y tế để được kiểm tra và điều trị kịp thời”, bác sĩ Đạt khuyến cáo.
Theo các bác sĩ chuyên khoa tim mạch, ngăn ngừa máu đông trong các tĩnh mạch sâu ở chân (huyết khối tĩnh mạch sâu) sẽ giúp ngăn ngừa tắc mạch phổi. Một số biện pháp có thể thực hiện để giúp ngăn chặn bệnh này: Chú ý vận động tích cực sau thời gian nằm điều trị dài ngày, khi ngồi liên tục hơn 4 giờ. Cần uống nhiều nước, tránh uống rượu và cà phê nếu có nguy cơ thuyên tắc mạch, đồng thời, tăng cường tập thể dục.
Bên cạnh đó, khi ngồi trong một chuyến bay hoặc đi xe ô tô dài tăng nguy cơ phát triển các cục máu đông trong tĩnh mạch của chân. Để giúp ngăn ngừa cục máu đông hình thành, mọi người hãy đi bộ khắp nơi trên cabin máy bay một lần một giờ hoặc lâu hơn. Nếu đang lái xe, dừng lại mỗi giờ và đi bộ xung quanh chiếc xe một vài lần. Trong lúc ngồi lâu trên xe, máy bay có thể tập thể dục trong khi ngồi; mở rộng và xoay mắt cá chân hoặc nhấn bàn chân, hoặc thử lên và xuống ngón chân và không ngồi với hai chân bắt chéo trong thời gian dài.