Tuần rồi, phát biểu tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2020, triển khai kế hoạch năm 2021 của ngành NN-PTNT, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo phải cấm tuyệt đối chặt đào rừng và các loại cây khác của núi rừng, nhất là núi rừng Tây Bắc mang về Hà Nội bán dịp Tết; đồng thời yêu cầu các địa phương phải tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm vi phạm. “Hôm nay tôi tuyên bố, ai chặt phá, mua bán, vận chuyển, tiêu thụ cây rừng là vi phạm!”. Thủ tướng khẳng định và ông giao Văn phòng Chính phủ có một văn bản cá biệt để chỉ đạo vấn đề này.
Thủ tướng đã “vào cuộc”. Dư luận cả nước tỏ thái đồng tình với chỉ đạo quyết liệt của người đứng đầu Chính phủ. Thú chơi “sang chảnh” tiếp tay cho nạn phá rừng và xâm hại nhiều giá trị văn hóa dân tộc đã bị chặn đứng trước thềm Tết Tân Sửu 2021 sau nhiều năm “bung ra” mà không có sự nhắc nhở, quản lý của lực lượng chức năng. Giá một cành đào rừng lớn lên tới 8-10 triệu đồng, thậm chí cả trăm triệu đồng là nguyên nhân đã “đẩy” nhiều rừng đào ở vùng núi Tây Bắc - phần lớn đã hàng trăm năm tuổi trước nguy cơ bị tận diệt. Nếu không cứu vãn kịp thời, sự biến mất của đào rừng chỉ còn là thời gian.
Một câu chuyện khác thuộc về “ý thức chơi Tết” cũng cần được tiếp tục chấn chỉnh. Đó là tình trạng bẻ cành, vặt lá đến tơi tả do tục hái lộc đầu năm. Sau thời khắc giao thừa, thay vì xuất hành hái một cành lộc nhỏ, chồi non với ý nghĩa tượng trưng là mang lộc chồi, mang sự sinh sôi nảy nở về nhà, nhiều người đã chặt phá, “càn quét” bất kỳ hoa và cây xanh mà họ bắt gặp trong các đình, chùa, công viên, hè phố. Cây cối quanh ngân hàng, kho bạc, tiệm vàng cũng không thoát. Buồn thay, phần lớn người “hái lộc” lại là những nam thanh nữ tú! Họ đã làm mất ý nghĩa thiêng liêng của việc hái lộc, xâm hại thiên nhiên, làm “đau” cây cỏ!
Tết là thời gian hạnh phúc nhất trong năm, nhưng tại nước ta, thời điểm Tết lại thường xảy ra những vụ việc đau lòng. Thống kê của ngành y tế cho thấy, sau một kỳ nghỉ Tết, số ca khám, cấp cứu do tai nạn giao thông, do ẩu đả và đốt pháo lên đến con số ngàn. Không ít người đã không có niềm vui đón Tết, lìa bỏ cuộc đời vì những vấn nạn nói trên.
Trong bối cảnh đó, việc Thủ tướng ban hành Chỉ thị 44 /CT-TTg về việc tăng cường các biện pháp bảo đảm đón Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm là một động thái hết sức cần thiết và ý nghĩa.
Những ngày qua, tình trạng buôn bán, vận chuyển pháo lậu đã “nóng” lên tại nhiều địa phương trong cả nước. Lực lượng chức năng đã liên tục bắt giữ nhiều vụ vận chuyển pháo lậu số lượng lớn. Việc một bộ phận người dân hiểu nhầm việc cho phép đốt pháo hoa theo Nghị định 137 của Chính phủ, đồng nghĩa với việc được đốt tất cả các loại pháo hoa, sẽ dẫn đến nhu cầu mua và sử dụng các loại pháo trong những ngày tới. Điều cần làm với mọi công dân vào lúc này là hiểu đúng Nghị định 137 (có hiệu lực từ ngày 11/1/2021), không tham gia buôn bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng vật liệu nổ, pháo nổ trái phép. Những hành vi đó là vi phạm pháp luật, dẫn tới bị xử lý hình sự.
Đoàn tụ sum họp gia đình dịp Tết là ước mong cháy bỏng của mọi người dân. Tuy vậy, hãy luôn nhớ rằng “bóng ma” COVID-19 vẫn luôn rình rập, hiểm họa vẫn còn nguyên, vì vậy, mọi người không được phép chủ quan, lơ là các biện pháp phòng dịch. Để có một cái Tết vui vẻ, sum vầy, mọi người hãy nghiêm túc thực hiện ngay “5K” theo khuyến cáo của Bộ Y tế: “Khẩu trang - Khử khuẩn - Khoảng cách - Không tập trung - Khai báo y tế”. Cộng đồng sẽ chỉ vui và hạnh phúc khi những ngày xuân không có dịch bệnh.
Chỉ vận động, kêu gọi người dân nâng cao “ý thức chơi Tết” không là chưa đủ. Tết chỉ thật sự ý nghĩa khi có sự vào cuộc của các tổ chức Đảng, chính quyền, đoàn thể, tổ chức xã hội… Tích cực thực hiện Chỉ thị 48-CT/TW của Ban Bí thư, Chỉ thị 44/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, chúng ta sẽ có một cái Tết Tân Sửu 2021 vui tươi, lành mạnh, tiết kiệm, an toàn.