Mới đây, Sở KH&CN Hải Phòng đã tổ chức Hội nghị đánh giá dự án “Xây dựng mô hình ứng dụng chế phẩm sinh học Neo-polymic xử lý môi trường ao nuôi cá (nuôi ghép) tại xã Tiên Thắng huyện Tiên Lãng”. Dự án thuộc Chương trình KH&CN phục vụ xây dựng nông thôn mới thành phố Hải Phòng đến năm 2020, do UBND xã Tiên Thắng, huyện Tiên Lãng chủ trì thực hiện.
UBND xã Tiên Thắng đã tiếp nhận chuyển giao công nghệ từ Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng KH&CN (Sở KH&CN) với hai quy trình: Kỹ thuật sử dụng chế phẩm sinh học Neo-polymic xử lý ô nhiễm tầng đáy ao nuôi cá nước ngọt và Kỹ thuật sử dụng chế phẩm sinh học quản lý chất lượng nước nuôi, đảm bảo chất lượng nước, phòng chống dịch bệnh cho cá nước ngọt thương phẩm theo hướng vệ sinh an toàn thực phẩm.
Sau khi tiếp nhận quy trình công nghệ, Dự án xây dựng hai mô hình ứng dụng chế phẩm sinh học Neo-polymic với tổng diện tích là 1ha ao nuôi ghép các loại cá trắm, chép, mè, trôi, rô phi. Trước hết, sử dụng 1 - 2 kg chế phẩm cho 1.000 m2 ao nuôi để ổn định và phát triển hệ vi sinh vật có lợi ở đáy ao. Khi đưa nước cấp vào ao nuôi, tiếp tục sử dụng 1 kg chế phẩm/1.000 m2 ao nuôi để xử lý nước ao trước khi thả giống. Sau đó, định kỳ hàng tuần sử dụng chế phẩm để quản lý chất lượng nước ao nuôi.
Ông Phạm Văn Chiến - một hộ tham gia mô hình cho biết, chế phẩm giúp phân hủy tối đa các chất hữu cơ, giảm độ nhớt và mùi hôi của nước, hấp thụ hết nguồn tảo chết trong ao. Bên cạnh đó, nhờ sử dụng chế phẩm sinh học mà ông rất ít khi phải dùng thêm hóa chất và thuốc kháng sinh cho cá. Nhờ thế, ông tiết kiệm được chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận lên rõ rệt.
Tính cả hai mô hình ứng dụng chế phẩm sinh học Neo-polymic, tổng sản phẩm đạt 16.610 kg/ha/năm, lợi nhuận đạt gần 131 triệu đồng/ha/năm.
Theo ông Ngô Ngọc Thuân - Chủ tịch UBND xã Tiên Thắng, mô hình ứng dụng chế phẩm sinh học Neo-polymic được các hộ nông dân tham gia mô hình và địa phương đánh giá cao. Sự thành công của mô hình đã có tác động tích cực trong việc thúc đẩy sản xuất, làm nền tảng cho việc áp dụng khoa học vào nông thôn, xây dựng nông thôn mới bền vững.