Đu đủ là loại cây trồng mau cho trái, được trồng khá phổ biến, nhất là đối với những vườn cây trong thời kỳ kiến thiết cơ bản thì đu đủ được xem là loại cây trồng xen với mục đích “lấy ngắn nuôi dài”. Mặc dù dễ trồng, nhưng đu đủ thường hay bị nhiều loại dịch hại tấn công, trong đó bệnh thán thư và bệnh thối gốc là hai bệnh chủ yếu làm chết cây, thất thu năng suất và ảnh hưởng chất lượng trái đáng kể.
Bệnh thán thư do nấm Colletotrichum gloeosporioides gây ra. Bệnh thường gây hại trên lá và trái. Ở những vùng thường xuyên nhiễm bệnh, nấm bệnh gây hại cả trên cuống trái và thân cây. Triệu chứng trên lá
|
Triệu chứng bệnh thán thư trên trái.
|
đặc trưng là những đốm tròn màu vàng nhạt, phát triển nặng vết bệnh lan rộng ra, chuyển màu nâu. Nhìn kỹ trên bề mặt vết bệnh có nhiều vòng đồng tâm. Nhiều vết bệnh liên kết lại với nhau, làm lá bị cháy thành từng mãng lớn. Trên trái, vết bệnh lúc đầu là những đốm tròn úng nước, màu xanh tái, đường kính khoảng 3-5mm, hơi lõm vào trong. Bệnh càng nặng, vết bệnh càng phát triển rộng ra. Buổi sáng, khi ẩm độ cao, dễ dàng nhận thấy những tơ nấm trắng xung quanh vết bệnh, nơi vùng bệnh bị thối ăn sâu vào thịt trái. Nấm có thể gây hại từ khi trái còn xanh đến khi trái chín. Bệnh gây hại trên cuống trái làm cuống trái bị thối và trái rụng sớm. Trên thân, vết bệnh cũng là những đốm nâu, hơi lõm.
Nấm phát triển mạnh ở những vườn đu đủ trồng dày, ẩm độ cao, mưa nhiều. Nấm tồn tại ở dạng bào tử trên tàn dư cây bệnh, trong đất.
* Biện pháp phòng trừ bệnh thán thư
- Trồng đu đủ với mật độ vừa phải hợp lý. Tránh trồng quá dày
- Vườn đu đủ cần cao ráo, thoát nước tốt.
- Thu gom và tiêu huỷ các bộ phận bị bệnh.
- Thăm vườn thường xuyên, phát hiện khi bệnh chớm xuất hiện, phun một trong những loại thuốc sau: Mancozeb; Antracol; Carbenzim,..Chú ý tuyệt đối đảm bào đúng thời gian cách ly sau khi phun thuốc để an toàn cho sức khoẻ người tiêu dùng.
Ngoài bệnh thán thư, bệnh thối gốc đu đủ khá phổ biến trên những vườn đu đủ tơ 1-2 năm tuổi hoặc ở vườn ươm cây con. Bệnh do nấm Pythium aphanidermatum gây ra. Vết bệnh đầu tiên xuất hiện ở gốc gần mặt đất, sau đó vết bệnh lớn dần ra quanh thân, có màu nâu đen, bên trong thân bị thối rửa để lại mạch xơ giống như tổ ong. Quan sát đầu tiên trên lá chuyển vàng và rụng sớm từ lá dưới lên lá trên, cây chỉ còn trơ đọt. Nếu cây đang mang trái, trái sẽ bị rụng. Cuối cùng cả cây bị chết và gãy ngang. Nấm bệnh ăn dần xuống phần rễ làm rễ thối.
Những vườn đu đủ thường hay ngập , không thóat nước tốt hoặc ẩm độ quanh gốc cây càng cao bệnh càng phát triển mạnh. Nấm tồn tại trong đất, khi gặp điều kiện thuận lợi sẽ tấn công cây.
*Biện pháp phòng trừ bệnh thối gốc
- Đất trồng đu đủ cần cao ráo, thóat nước tốt, không để gốc quá ẩm.
- Bón nhiều phân hữu cơ để tạo đất tơi xốp + tưới chế phẩm sinh học Trico trên vườn đu đủ con
- Cây bị bệnh nên nhổ và đào bỏ cả gốc, rễ mang tiêu hủy.
- Phát hiện sớm khi lá bắt đầu chuyển vàng, phun các lọai thuốc: Vimonyl, Mexyl –MZ, Vilaxyl,… phun đẩm vào gốc hoặc tưới vào đất quanh gốc. Nếu trong vườn ươm phát hiện cây bệnh thì phun thuốc đẫm lên mặt luống./.