Sở dĩ bến Lộc An được chọn là điểm đến của tàu không số là vì nơi đây có vùng ven biển Xuyên Mộc dân cư thưa thớt, các lõm giải phóng chỉ có vài chục hộ dân nhưng có nhiều ưu thế là biển liền rừng. Rừng Xuyên Mộc nối dài một dãy với núi Mây Tàu, núi Bể tạo thành cụm núi non hiểm trở. Vùng này còn có bãi biển Bình Châu, Hồ Cốc, Hồ Tràm và cửa Lộc An phía sông Ray luồng lạch khá sâu. Nhân dân trong vùng có truyền thống cách mạng. Mạng lưới bố phòng của địch của vùng này cũng mỏng, do địa hình rừng núi ngăn cách nên chúng hoạt động hạn chế. Tại bến này, 3 chuyến tàu của đoàn 125 Hải quân đã cập bến thành công, vận chuyển được 109 tấn vũ khí trang bị cho quân dân các tỉnh miền Đông tham gia các chiến dịch, góp phần làm nên những thắng lợi vang dội như: Bình Giã, Đồng Xoài, Dầu Tiếng, Bầu Bàng từ đó góp phần làm thất bại chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của Mỹ. Bến Lộc An được công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia vào năm 1995.
Đài lưu niệm Đoàn tàu không số bến Lộc An đã được xây lên khẳng định chứng tích của một thời hào hùng không thể nào quên. Tượng đài của chiến công các chiến sỹ tàu không số nay được xây dựng trên mảnh đất năm xưa, đáp ứng được nguyện vọng và mong đợi của đồng bào, chiến sỹ thể hiện tình cảm, lòng biết ơn của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân ta các chiến sỹ anh dũng mưu trí, những chiến công thầm lặng mà phi thường.