Theo ngành nông nghiệp tỉnh Đồng Tháp, diện tích trồng xoài của toàn tỉnh hiện có gần 10.000ha với hai giống chủ lực là xoài cát Chu và cát Hòa Lộc. Trong đó, hơn 30% diện tích sản xuất xoài mùa nghịch.
Năm nay, vụ xoài mùa nghịch cho thu hoạch kéo dài từ tháng 9 đến tháng 11 và được giá nên mức lãi hơn 200 triệu đồng/ha (xoài cát Chu), hơn 500 triệu đồng/ha với xoài Hòa Lộc.
Anh Đô Văn Tới, Hợp tác xã Xoài Mỹ Xương, huyện Cao Lãnh cho biết, xoài mùa nghịch và đặc biệt là xoài cát Hòa Lộc, năng suất đạt 10-20 tấn/ha, không cao bằng xoài Cát Chu nhưng giá bán lại cao từ 45.000 - 50.000 đồng/kg, trừ chi phí lãi hơn 500 triệu đồng/ha. Năm nay, thời tiết thuận lợi đối với việc xử lý để xoài ra trái mùa nghịch nên giảm 1/2 chi phí sản xuất.
Theo anh Nguyễn Thành Tài, xã Tân Thuận Đông, thành phố Cao Lãnh, ngoài việc cho xoài ra trái mùa nghịch, ông còn sử dụng phương pháp bao trái. Ưu điểm của xoài bao trái là sử dụng ít phân, thuốc, công chăm sóc đơn giản; không gây ô nhiễm môi trường.
Thời điểm này, giá xoài dao động từ 18.000 - 20.000 đồng/kg, cao hơn 5.000 - 6.000 đồng/kg so với xoài chưa bao trái.
Ông Huỳnh Thanh Bá cũng ở hợp tác xã Xoài Mỹ Xương chia sẻ, xoài ở Cao Lãnh không đủ hàng xuất khẩu. Hiện, xoài cát Hòa Lộc lãi thấp nhất từ 250-300 triệu đồng/ha, cao nhất từ 600-700 triệu đồng/ha.
Ông Huỳnh Thanh Bá cũng cho biết, năm 2014, trái xoài tươi của hợp tác xã được xuất khẩu sang Hàn Quốc và sắp tới là Nhật Bản. Các công ty đặt mua xoài của hợp tác xã khoảng 100 tấn/tháng, nhưng hiện hợp tác xã chưa đáp ứng đủ nhu cầu vì xoài mùa nghịch rất ít. Hộ dân sản xuất xoài cho trái mùa nghịch chưa được 30%.
Theo ông Nguyễn Phước Tuyên, Trưởng phòng Nghiên cứu Khoa học và Thông tin, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Đồng Tháp, địa phương định hướng phát triển xoài thành mặt hàng hàng chiến lược, tăng quy mô sản xuất, áp dụng tiêu chuẩn VietGAP, nhân rộng mô hình sản xuất xoài đặc biệt là xoài mùa nghịch./