Nuôi vịt chạy đồng là hình thức chăn nuôi du canh. Trong mùa thu hoạch lúa, đằng sau những nhóm người đang lom khom gom lúa, tuốt lúa là những đàn vịt tàu lao xao, ồn ào. Đàn vịt được lùa từ đồng lúa này sang đồng lúa khác vừa mới thu hoạch. Chúng ăn vét những hột lúa rụng và những động vật sống ở đồng như cua, ốc, dế... Nhờ vậy mà người nuôi không tốn hoặc tốn rất ít thức ăn (chủ yếu là lúa) cho vịt. Cứ sáng lùa đi, tối lùa về nhốt tạm ở những chuồng đơn sơ cạnh góc ruộng. Giống vịt được chuộng nuôi chạy đồng phổ biến là vịt tàu, là loại vịt nhỏ con, đầu nhỏ, mỏ khỏe mạnh, cổ dài, chân vàng thấp, nhanh nhẹn, khả năng kiếm mồi tốt và vừa cho thịt, vừa cho trứng. Chúng chống chịu tốt với điều kiện chăn thả ngoài đồng, có khả năng kháng nhiều bệnh, tăng trưởng tốt. Giống này lông nhiều mầu sắc, nuôi từ 140 đến 150 ngày thì đẻ, mỗi năm đẻ từ 180 đến 220 trứng/con. Thịt vịt nuôi chạy đồng luôn bán giá cao hơn vịt nuôi công nghiệp vì thịt ngon thơm.
Khó khăn lớn nhất hiện nay đối với nghề nuôi vịt chạy đồng là gặp rủi ro về dịch bệnh. Những năm gần đây, các đợt dịch cúm gia cầm H5N1 đã làm cho nhiều hộ dân khốn đốn. Khi dịch cúm xuất hiện thì vịt chạy đồng được xem là đối tượng có nhiều nguy cơ bị nhiễm và bị cấm di chuyển ra khỏi chỗ nuôi. Hiện nay, nuôi vịt chạy đồng càng khó khăn hơn do phải di chuyển đồng xa, phải đăng ký với ngành thú y để kiểm soát sự an toàn của đàn vịt. Ngoài ra, người nuôi tốn nhiều chi phí thêm về tiêm ngừa, điều trị các loại bệnh khác.
Để duy trì và phát triển nghề nuôi vịt, trong những năm qua, các hộ chăn nuôi áp dụng nhiều hình thức chăn nuôi mới phù hợp điều kiện hiện nay, nhất là quản lý vịt chống chịu tốt với dịch cúm gia cầm vẫn còn tiềm ẩn nguy cơ, cụ thể như các hình thức dưới đây.
Một là, nuôi nhốt kết hợp chăn thả: Cách làm này thích hợp cho nuôi vịt đẻ trứng. Vịt nuôi nhốt trên bờ kênh, có mở lối cho vịt xuống nước. Đến mùa thu hoạch lúa thì thả vịt ra đồng. Có thể nuôi các giống vịt tàu, siêu trứng, giống lai hướng trứng. Nuôi theo hình thức này vịt có thể kiếm được thức ăn dưới lòng kênh như cá, hến và có thể bổ sung thêm thức ăn tươi (cua, ốc bươu vàng...), thức ăn chế biến sẵn cho chúng.
Hai là, nuôi kết hợp vịt - cá có thể áp dụng ở những cơ sở sản xuất vịt con nuôi thịt. Nuôi vịt trên ao cá, phân vịt thải ra cho cá ăn hoặc tạo nguồn thủy sinh trong ao phát triển làm thức ăn cho cá. Hình thức này giúp giảm đáng kể chi phí dọn chuồng, cung cấp nước uống cho vịt. Đây là hình thức nuôi vịt theo hướng an toàn sinh học được khuyến cáo chăn nuôi ở nhiều tỉnh.
Ba là, nuôi nhốt hoàn toàn, không thả ra kênh, ra đồng. Phần lớn thức ăn cho vịt phải mua, vịt ăn thức ăn nhiều hơn nên giá thành cao. Hình thức này phù hợp trong lúc có dịch cúm, giúp người nuôi kiểm soát tốt dịch bệnh, người chế biến và người tiêu dùng an tâm hơn.