Để tạo nguồn thu nhập ổn định cho gia đình, nhiều hộ dân tìm hiểu và đầu tư mạnh vào các mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng. Những năm đầu tiên, do chưa nắm bắt kỹ thuật, vốn ít, độ rủi ro khá lớn nên có những vụ tôm làm người dân thua lỗ. Thêm vào đó, môi trường, nguồn nước, dịch bệnh xảy ra liên tục nhưng chưa có thuốc điều trị, nguồn thức ăn kém chất lượng đã ảnh hưởng lớn đến năng suất tôm.
Tuy nhiên những năm gần đây cùng với sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật, người dân nắm được kỹ thuật, cộng với kinh nghiệm và từng bước mở rộng diện tích. Đến nay, việc nuôi tôm đã khá thuận lợi, thị trường ổn định, giá thành phù hợp. Nhờ vậy, vài năm sau khi đầu tư, diện tích nuôi tôm tăng cao, mỗi năm nuôi 3 vụ cho năng suất cao.
Để đạt được thành công từ mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng, các hộ dân thường chú trọng vào con giống phải đảm bảo chất lượng và có nguồn gốc rõ ràng. Thức ăn của tôm phải đảm bảo chất lượng, dinh dưỡng và phù hợp với từng giai đoạn sinh trưởng của tôm, giữ môi trường nuôi tôm ổn định, không bị ô nhiễm. Và thường xuyên áp dụng công nghệ mới vào quá trình nuôi tôm. Hàng năm, các hộ dân nuôi tôm đã tạo việc làm thường xuyên cho hơn 200 lao động với mức thu nhập từ 4,5 - 5 triệu đồng/tháng, tạo việc làm theo thời vụ cho 57 lao động địa phương.
Không chỉ làm kinh tế giỏi, các hộ nuôi tôm nhiệt tình hướng dẫn hội viên nông dân cùng tham gia phát triển kinh tế, cải thiện cuộc sống gia đình. Ngoài ra, có điều kiện về kinh tế, tích cực tham gia đóng góp các nguồn quỹ do địa phương vận động.