Trên địa bàn xã hiện nay một số hộ đang áp dụng hình thức nuôi này trong bể xi măng. Bể được thiết kế diện tích 6m2/bể, chiều cao khoảng 0,8 - 1 m; xây tường gạch, mặt trong ốp gạch men/gạch tàu (để tránh cho lươn bị trầy xước); trong bể đặt những tấm phên tre làm nơi trú ẩn cho lươn. Các hộ dân cho biết là đã tự tìm hiểu về kỹ thuật nuôi và cất công đi tìm mua giống lươn tại một trại ở TP. Hồ Chí Minh. Vì là mô hinh chăn nuôi mới, các hộ dân vẫn chưa đầu tư mạnh về bể và số lượng con giống. Hiện tại các hộ chỉ nuôi thí điểm từ 20 đến 40 kg lươn giống. Lươn giống có kích cỡ từ 25 – 30 con/kg, với giá giống dao động từ 280.000đ đến 300.000 đồng/kg.
Với số lượng con giống như trên, các hộ dân thả nuôi trên diện tích khoảng 20m2. Tuy nhiên thời gian đầu khi thả nuôi tỉ lệ lươn hao hụt đáng kể do các hộ chưa nắm vững kỹ thuật nuôi, hơn nữa phần cũng là do chất lượng con giống không được tốt. Trong quá trình nuôi, lươn ăn toàn bộ bằng thức ăn tự chế biến từ cá tạp, mỗi ngày cho ăn 2 lần. Đến nay, thời gian nuôi được khoảng 5 tháng nhưng tỉ lệ hao hụt đã lên tới 40 - 50%, mặc dù vậy số lươn còn lại tăng trọng rất tốt và kích cỡ hiện tại khoảng 2 - 4con/kg.
Mô hình nuôi lươn không bùn hiện đang được nuôi ở các tỉnh Miền Tây Nam Bộ, trên địa bàn xã Phước Thuận một số hộ dân đang có nhu cầu nuôi mô hình này và hầu hết các hộ nuôi đều theo hướng tự phát.
Vừa qua Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư Bà Rịa – Vũng Tàu đã tổ chức 01 lớp tập huấn kỹ thuật nuôi lươn cho các hộ có nhu cầu nuôi nhằm chuyển giao kỹ thuật nuôi và khuyến cáo người nuôi cần lưu ý như sau:
- Bể nuôi: Xây tường gạch, mặt trong ốp gạch men/gạch tàu (để tránh cho lươn bị trầy xước). Tuyệt đối không để lươn thoát ra ngoài trong quá trình nuôi.
- Con giống: Sử dụng con giống chất lương tốt, mua ở những địa chỉ tin cậy. Trước khi thả vào bể, lươn phải được sát trùng bằng cách tắm với nước muối loãng nồng độ 3 - 5‰ trong 15 phút. Giai đoạn mới thả giống, lươn bị sốc và bỏ ăn do thay đổi môi trường đột ngột vì vậy phải bỏ đói lươn 3 - 4 ngày. Lươn có kích cỡ nhỏ cần phải được ương nuôi trong bể nhỏ có đặt các chùm dây nylon làm giá thể trước khi thả vào bể nuôi thương phẩm.
- Cho ăn: Lươn là loài ăn tạp nhưng thiên về thức ăn có nguồn gốc động vật nên có thể phối trộn thức ăn cho lươn theo công thức 90% cá biển (hoặc cá tạp, thịt ốc bươu vàng…) xay nhuyễn và 10% cám để tạo thành hỗn hợp có độ kết dính. Cho lươn ăn 1 - 2 lần/ngày với tỷ lệ thức ăn khoảng 5 - 8% khối lượng thân (tùy thuộc vào giai đoạn nuôi). Trong quá trình cho ăn, quan sát lươn bắt mồi để có thể điều chỉnh lượng thức ăn cho phù hợp và vớt thức ăn thừa sau khi cho ăn 30 – 45 phút để hạn chế ô nhiễm nước.
- Thay nước: Do nuôi với hình thức thâm canh và đặc điểm lươn là loài thủy sản da trơn nên rất mẫn cảm với môi trường sống. Vì thế phải thay nước bể nuôi lươn mỗi ngày (100%) sau khi cho lươn ăn 3 giờ để giữ nước bể nuôi luôn sạch. Duy trì mực nước vừa ngập các giá thể (khoảng từ 30 - 40 cm).