Vào những ngày đầu xuân, thời tiết thay đổi, không khí trở nên lạnh và ẩm tạo điều kiện thuận lợi cho các tác nhân gây bệnh ở đường hô hấp phát triển. Hơn nữa, khả năng trẻ mắc bệnh lại tăng lên do được bố mẹ đưa đến những nơi đông đúc, tiếp xúc với nhiều người và những vật dụng có mang vi trùng sinh bệnh.
Bên cạnh chế độ dinh dưỡng hợp lý giúp trẻ có đầy đủ sức khỏe và khả năng đề kháng tốt, để tránh nhiễm bệnh, trẻ cần được giữ ấm vừa phải, mang khẩu trang để tránh gió bụi mỗi khi ra đường.
Nếu chẳng may trẻ mắc bệnh, có thể dùng thuốc giảm sốt thông thường như Paracetamol, Ibuprofene và dùng khăn ướt lau mát để hạ nhiệt cho trẻ. Hãy đưa trẻ đến bệnh viện nếu các triệu chứng cảm cúm kéo dài hoặc trẻ có biểu hiện như sốt cao, co giật, bứt rứt, li bì, khò khè, khó thở, tím tái…
Rối loạn tiêu hóa
Trẻ có nguy cơ thiếu dinh dưỡng hay hạ đường huyết do mải chơi quên ăn uống, hay bị cha mẹ “bỏ đói” do quá bạn rộn với việc chuẩn bị tết hoặc tiếp đãi bạn bè.
Trẻ có thể bị đau bụng, nôn ói, đầy bụng, tiêu chảy, táo bón do thay đổi thói quen sinh hoạt hàng ngày. Chế độ dinh dưỡng bất hợp lý: quá nhiều cá, thịt, dầu mỡ nhưng lại thiếu rau xanh, trái cây; ăn phải thức ăn kém vệ sinh, bị ôi thiu hay dùng quá nhiều thực phẩm có tính thẩm thấu cao như nước ngọt, bánh mứt…
Để bảo đảm sức khỏe của trẻ, nên cố gắng duy trì lịch sinh hoạt hàng ngày của trẻ, ăn đúng bữa, ngủ đúng giờ. Không nhất thiết phải kiêng cử ăn uống, nhưng cần cho trẻ ăn những món ăn ngày tết ở mức độ vừa phải. Nên chú trọng đến nguồn gốc, tiêu chuẩn chất lượng và cách thức chế biến của các thực phẩm này. Thức ăn của trẻ nên được nấu mới từng bữa, hoặc bảo quản trong tủ lạnh ở nhiệt độ thích hợp. Tránh cho trẻ ăn các thức ăn cũ, ôi thiu hoặc không hợp vệ sinh.
Khi trẻ bị tiêu chảy, có thể cho trẻ uống thêm nước trái cây tươi, dung dịch Oresol để bù lại lượng nước bị thiếu hụt. Đừng quên đưa trẻ đến bệnh viện ngay nếu trẻ có những biểu hiện như tiêu chảy kéo dài, phân có đàm máu, đau bụng ngày càng tăng, nôn ói nhiều, vật vã, lơ mơ…
Nguy hiểm tiềm ẩn xung quanh
Do tò mò và hiếu động nên trẻ rất dễ gặp nguy hiểm do té ngã, bỏng, điện giật, hay bị các vật sắc nhọn đâm vào khi đang chạy nhảy hay nghịch phá những vật dụng xung quanh như đèn trang trí, ấm nước sôi, dao nĩa…
Đối với những gia đình có trẻ nhỏ, không nên ném vỏ hạt dưa, hạt bí xuống sàn nhà vì trẻ có thể nhặt và cho vào miệng, không cho trẻ chơi những viên bi nhỏ, hạt cườm hay ăn trái cây nếu chưa được lấy bỏ hạt. Không đút trẻ ăn khi cháu đang khóc hoặc cười giỡn . Sẽ rất nguy hiểm nếu các hạt này rơi vào đường thở khi bé bị sặc. Trong tình huống này bé có thể tử vong nhanh chóng do bị bít tắc đường thở nếu không được cấp cứu kịp thời.
Khi trẻ có các dấu hiệu như đột ngột ho sặc sụa, khó thở, tím tái (hội chứng xâm nhập) bạn có thể vỗ lưng, ấn ngực để tống dị vật ra và nhanh chóng đưa trẻ đến bệnh viện để được xử trí thích hợp.
Để có một cái Tết trọn vẹn và gia đình luôn đầy ấp tiếng cười hãy dành nhiều thời gian quan tâm đến con trẻ hơn và trang bị cho bản thân một số kiến thức cơ bản cần thiết để bảo vệ cho những đứa con thân yêu của bạn trước những bệnh lý và tai nạn thường gặp trong những ngày lễ này.